mọi chuyện sẽ còn "ầm ĩ" đến đâu!
Còn Phán, trước sau anh vẫn ngồi im chịu trận. Mấy lần, Phán định đứng
dậy bỏ ra ngoài nhưng lòng tự ái khiến anh lưỡng lự và rốt cuộc anh đã chẳng
nhúc nhích. Anh cũng không dám mở miệng phân trần hay chống chế. Làm
vậy có khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Phán tự nhủ, tốt nhất là nín nhịn ra vẻ
ta đây là chiếc lá khoai, đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.
Nghĩ vậy, Phán cứ ngồi trơ. Trong lớp, Phán chẳng chơi thân với ai nên
cũng chẳng ai bênh vực anh. Chỉ toàn là những khoèo với móc. Vả lại, đây là
một vở kịch hiếm có, thuộc loại "nghìn năm một thuở", nên cũng chẳng ai
muốn nó hạ màn sớm làm gì. Trong đám bạn bè, chỉ có Xuyến, Thục và Cúc
Hương là có thiện cảm với Phán, bởi anh là "cố vấn văn chương" của họ. Nếu
Xuyến và Cúc Hương chịu "mở máy" thì những cái miệng nhao nhao kia
chắc chắn sẽ "tắt đài" ngay. Nhưng khổ nỗi, vụ này lại liên quan đến "tiểu
thư" Thục, nên Xuyến và Cúc Hương đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, sợ
bạn bè suy diễn và gán ghép bậy bạ. Vì vậy, tuy phới tỉnh ngoài mặt nhưng
trong bụng Xuyến và Cúc Hương tức anh ách. Lần đầu tiên, chúng buộc phải
ngậm miệng nghe người ta nói xiên nói xỏ đến "người của mình". Càng tức,
Xuyến và Cúc Hương càng rủa thầm Phán tơi bời. Chính tại bài thơ chết tiệt
của anh, chúng mới lâm vào tình trạng oái ăm này.
Khác với hai bạn, trước những sự việc vừa xảy ra, Thục ngạc nhiên hơn là
tức tối. Nó không hiểu tại sao cái anh chàng Phán củi cục mịch kia lại "có
gan" để ý mình và lại dám đăng một bài thơ lãng mạn như thế lên báo cho
thiên hạ chọc ghẹo. Thục cũng không rõ có phải Phán làm bài thơ đó cho
mình không, hay lại cho một cô gái nào khác. Nghĩ vẩn vơ một hồi, Thục
bỗng quên mất Phán củi mà lại nhớ đến... Phong Khê. Phong Khê không
những làm thơ mà còn tặng quà cho Thục. Đã vậy, anh còn bị bọn Thục hành
hạ thê thảm, mắng nhiếc đủ điều. So với Phán củi, Phong Khê nhát gan hơn
nhiều. Anh ta không dám đăng thơ lên báo mà chỉ giấm giúi vào ngăn bàn.