Nó vừa rất cao vừa có tán lá rất rộng, thân cây bằng chân voi ma mút,
những chiếc lá màu xanh xòe ra như hàng nghìn những cái quạt nhỏ.
– Nó là bậc trưởng lão, cái cây nhiều tuổi nhất, cây bạch quả.
Tôi đã nghe thấy cái tên này. Tôi đưa tay đặt trên thân cây và, để làm cho
bố hài lòng, tôi hỏi: “Mày đã bao nhiêu tuổi rồi vậy?”
– Suýt soát hai trăm tuổi. - Bố trả lời, hết sức hài lòng. - Tóm lại là một
em bé. Con có biết là có một số cây sống được tới bốn nghìn năm không?
Một cái cây bốn nghìn năm tuổi, bố đang đùa à? Bố đảm bảo với tôi là
không.
Thậm chí có những người còn khẳng định rằng những cây bạch quả già
biết cả Adam và Eva nữa. Một cách nghiêm túc hơn, người ta có thể khẳng
định loài cây này tồn tại từ trước những con khủng long rất lâu.
Chúng tôi lùi lại để có một cái nhìn tổng thể và bố giải thích với tôi rằng
để sống sót được qua tất cả những biến cố đã tàn phá trái đất, những cây
bạch quả đã không ngừng biến đổi. Từ thủa sơ khai, chúng là những cây có
gai, dạng cây nhỡ dai dẳng không có liên quan gì tới cây này cả. Những
nhà bác học nghiên cứu về loài cây này có thể đọc được dấu vết của những
cái gai trên những chiếc lá khô của nó, giống như một thông điệp bí mật
trên những tấm giấy da quí.
Rồi giọng bố trở nên bối rối.
– Hãy nhìn nó và nghe kĩ lời bố nói này, Tom. Cây bạch quả là cái cây
duy nhất có thể sống sót ở Hiroshima.
Hiroshima, chúng tôi đã học về Hiroshima năm ngoái trong môn sử - địa.
Chúng tôi đã trải qua những hình ảnh kinh khủng, những cái chết, những
người bị bỏng, những đứa trẻ dị dạng và mãi đến tận ngày nay, quả bom đó
vẫn còn tiếp tục tàn phá với tất cả những dạng bệnh tật, bệnh ung thư, bệnh
máu trắng.
– Nó rơi xuống ngày 6 tháng 8 năm 1945. - Bố tiếp tục một cách khó
nhọc. - Nó đốt cháy tất cả: da thịt của con người, da thịt của mảnh đất nuôi
dưỡng. Không còn một tia hy vọng sống nào nữa.