Việt Kim sực nhớ lại lời dặn của Mạnh Di lúc ở Ba-Lê. "Người Du-Ráp
giống như những bóng ma! Lúc đến và lúc đi không ai biết được cả".
Ông Hải Âu nghe con cho biết như vậy, gật gù:
- Nếu vậy thì kể ra cũng khôi hài thật! Nhưng lại đỡ được những câu cám
ơn xã giao rỗng tuếch!
Việt Kim ngó cha:
- Ba ơi! Ông Lư-hà-Sa là gì thế hả ba? Coi bộ ông ta có vẻ nghiêm trang
quan trọng quá hà!
- Ừ, quan trọng lắm. Ông ta là cánh tay phải của đức Vua đấy! Chính ra thì
ông ta là Chủ Tịch Hội Đồng Nội Các, bên Việt Nam mình kêu bằng Thủ
Tướng Chính Phủ đó con! ... Nghĩa là trăm công ngàn việc, trong cũng như
ngoài, quốc vương tức là "Shah", đều giao cho ông quyết định hết.
- Úi chà! Một nhân vật trọng yếu của cả một vương quốc như vậy mà cha
con mình có quyền ... sai phái ...! Trời đất để con phải viết cho anh Di nói
chuyện ngay về cái mục này mới được.
Ông Hải Âu mỉm cười nhẹ đẩy lưng con gái vào phòng trong:
- Thôi, khoan viết thơ đã, Việt Kim! Đi tắm rửa thay quần áo đi, kẻo trễ đó!
Để lúc khác viết, vội gì. Trang điểm cho đẹp nghe cưng.
Việt Kim mới đặt chân được hai bước đã quay ngoắt lại:
- Ba, cho con hỏi cái này chút, cần lắm, ba! Lá thơ người lạ đưa cho ba ở
phi trường Óoc-Ly, nói gì vậy, ba? Hình như có cái gì quan trọng lắm, hả
ba? Lúc đó, con thấy rõ ba có sắc mặt băn khoăn lắm mà! Cái người trao lá
thơ đó là dân Du-Ráp phải không ba? Và ông ta nói với ba cái gì vậy?
Em ranh mãnh lắm. Lòng thầm hy vọng rằng hỏi thật nhiều như thế, người
cha sẽ, nếu không trả lời tất cả, thì ít nhất cũng được hai, ba cau ... hay
cùng lắm ... cũng phải một câu.
Ký giả Hải Âu trừng mắt ngó ngay mặt con gái. Sắc diện ông nghiêm lại,
đôi môi mấp máy định nói cái gì đó. Nhưng đột nhiên nét mặt ông thấy
khác hẳn đi: ông đổi ý mất rồi. Quả nhiên:
- Ồ! Có gì đâu, con! Vài điều căn dặn trong chuyến du hành, ông Lư-hà-Sa
viết đó mà ... Thôi, đi tắm rồi thay quần áo, lẹ đi, con!
Việt Kim hiểu ngay là không còn hy vọng kéo nài cha được nữa. Ông Hải