rất không tiện; chủ yếu vì ngày nào cũng cứ phải thu dọn và đi lại, lãng phí
mất nhiều thời gian vàng ngọc, ảnh hưởng đến nhịp điều làm việc.
Ít lâu sau, chúng tôi không làm như vậy nữa và di chuyển tới một ngôi
nhà ở phố Ki-rốp. Ga xe điện ngầm “Ki-rốp” được giao cho chúng tôi hoàn
toàn sử dụng. Tàu không dừng lại ở ga đó nữa. Sân ga, nơi chúng tôi làm
việc, được ngăn cách với đường sắt bằng một bức tường ván cao. Trung tâm
thông tin đặt ở một đầu, trụ sở của Xta-lin ở đầu bên kia, còn ở giữa là
những dãy bàn nhỏ để chúng tôi làm việc. Vị trí của Tổng tham mưu trưởng
ở bên cạnh trụ sở của Tổng tư lệnh tối cao.
Mùa thu đang đến gần. Sức ép của quân địch rất mạnh. Cả ở Mát-xcơ-va,
cả ở Lê-nin-grát và cả ở U-crai-na nữa. Trên khắp các mặt trận.
Lúc này, ta đang có tài liệu khẳng định rằng bộ chỉ huy phát-xít Đức
không thể thực hiện việc đánh chiếm Mát-xcơ-va nếu như chúng không
chiếm được Lê-nin-grát trước và lập được mặt trận chung với Phần Lan tại
phía Bắc và nếu như chúng không đánh tan được cánh quân của chúng ta ở
khu vực Ki-ép tại phía Nam.
Ngoài các ý nghĩa thuần túy quân sự, việc đánh chiếm U-crai-na còn có ý
nghĩa kinh tế to lớn đối với nước Đức phát-xít. Ngay từ 4 tháng Tám 1941,
Hít-le đã họp ở Bô-ri-xốp với các tư lệnh tập đoàn quân thuộc Cụm tập đoàn
quân “trung tâm” và đã thông qua phương án về những hành động tiến công
tiếp sau. Ngày 23 tháng Tám, chính Hít-le đã họp bàn về vấn đề này. Như
vậy là kết quả cuộc chiến đấu ở khu vực mặt trận miền Tây, khu vực chủ yếu
lúc này phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào tính kiên cường của quân dân
Lê-nin-grát và Ki-ép.
Tháng Chín 1941 là một trong những tháng chiến tranh khó khăn nhất đối
với chúng ta. Số dân Mát-xcơ-va giảm đi một cách rõ rệt. Nam giới vào bộ
đội và các đội dân phòng. Phụ nữ và trẻ em hoặc đã tản cư, hoặc đang đứng
máy thay thế cho nam giới. Rất nhiều người tham gia xây dựng công sự ở
những cửa ngõ vào thủ đô. Và ngay trong thành phố, trên các đường phố đã
xuất hiện những cọc chống tăng, chướng ngại chống tăng và chống bộ binh.