Dĩ nhiên, một cậu thanh niên 18 tuổi như tôi – tiện thể xin nói thêm là lần
đầu tiên được xỏ chân vào một đôi giày thực sự – rất muốn học, muốn “làm
nên”, muốn trở thành một nhà nông học. Nhưng đâm vào chỗ nào cũng đều
thấy rằng học lúc này thì chưa nên: người ta không hứa sẽ cấp học bổng, ký
túc xá thì tồi tàn, lại không do cơ quan nào cử đi học cả.
Cho tới cuối mùa thu năm 1925 tôi đành phải làm các công việc như xẻ
củi, khuân gạch trên công trường xây dựng Sở điện báo trung ương ở phố
Tơ-véc-xcai-a (nay là phố Goóc-ki), bốc vác… Tóm lại là làm những công
việc xin được ở sở lao động gần Cổng đỏ. Còn tình hình chốn ở của tôi thì
cũng đại loại như vậy: lúc đầu thì ở trên tầng hầm sát mái của một kho ướp
lạnh, nơi làm việc của ông chủ, sau đó thì lại ở trong căn phòng tu sĩ của
một gác chuông nhà thờ, hồi ấy là nhà cầm đồ của thành phố…
Tôi còn đang không biết số phận mình sau này sẽ ra sao thì bỗng xảy đến
một chuyện. Qua một bức thư nhà, tôi được biết là cái anh chàng ở cùng phố
Ôn-khốp với chúng tôi có về phép, hồi tôi còn ở nhà thì anh ta được gọi
nhập ngũ, bây giờ thì đang học ở Trường kỵ binh Tơ-véc-xcai-a. Chính anh
ấy có nói rằng người ta bảo sẵn sàng tuyển nhận những người như tôi và anh
ấy bảo tôi đến.
Triển vọng trở thành lính kỵ binh rất hợp ý tôi. Tôi bèn đến phòng quân
vụ để hỏi xem sao. Ở đó người ta nói rằng nếu tôi muốn vào học trường
quân sự thì được thôi: hiện đang có đợt tuyển sinh vào Trường bộ binh Mát-
xcơ-va mang tên M. I-u. A-sen-bre-ne-rơ. Tôi không biết A-sen-bre-ne-rơ là
ai, song vào bộ binh thì tôi không muốn: ở làng họ sẽ cười cho…
Tôi đấu tranh tư tưởng mấy ngày liền, tuy vậy vẫn quyết định thăm dò
xem thế nào. Tôi tìm được trường bộ binh đó ở Lê-phoóc-tô-vô, phố Cra-
xnô-ca-dác-men-nai-a. Nhưng gần đây cũng có hai trường nữa – Trường
pháo binh Mát-xcơ-va mang tên L. B. Cra-xin và Trường công binh. Công
binh lúc bấy giờ thì tôi chẳng thích lắm. Còn ở trường pháo binh thì tôi được
biết rõ rằng ở đây đào tạo các cán bộ chỉ huy trung đội cho kỵ (!) pháo binh
và phải học 4 năm.