tư lệnh tối cao cho nên mọi người cũng đồng ý với đồng chí ấy. Các hoạt
động tấn công được dự định tiến hành ở Crưm, Lê-nin-grát và Đê-mi-an-
xcơ, ở các hướng Xmô-len-xcơ và Lơ-gôp – Cuốc-xcơ.
Hoạt động tấn công phải được triển khai trên một số lớn khu vực, điều đó
có nguy cơ gây ra tai họa: các đơn vị của ta bị thu hút vào những trận đánh
mà kết quả còn rất đáng ngờ, lực lượng vốn đã ít ỏi lại bị phân tán. Góp
phần vào biến chuyển bất lợi của các sự kiện lại có thêm những đề nghị
khẩn khoản của Hội đồng quân sự khu vực mặt trận Tây – Nam xin mở một
cuộc tấn công lớn ở gần Khác-côp bằng những lực lượng của các phương
diện quân Bri-an-xcơ, Tây-nam và Nam, mà bộ tư lệnh khu vực mặt trận xin
“lấy đầu ra để đảm bảo” cho thắng lợi của cuộc tấn công đó.
Hội đồng quân sự khu vực mặt trận Tây – Nam trình bày những đề nghị
của mình trong một văn bản được gọi là “báo cáo tình hình khu vực mặt trận
Tây – Nam cho tới giữa tháng Ba và những triển vọng tác chiến vào thời kỳ
xuân – hè 1942”. Bản báo cáo được soạn thảo ngày 22 tháng Ba và viết tay
làm hai bản.
Trong bản báo cáo này, tình hình địch được đánh giá như sau: “quân địch
ráo riết hoạt động khiến cho bộ đội ta lâm vào tình trạng nếu không có thêm
những lực lượng dự trữ chiến lược lớn và không được bổ sung thêm nhiều
quân và một phần phương tiện vật chất thì không thể tiến hành những trận
đánh nhằm mục đích quyết định được”.
Người ta cho rằng mặc dù bị thất bại ở gần Mát-xcơ-va, đến mùa xuân kẻ
địch vẫn sẽ lại cố tìm cách đánh chiếm thủ đô Liên Xô. Người ta dự tính mũi
tấn công chính của chúng sẽ bắt đầu từ các vùng Bri-an-xcơ và Ô-ri-ôn vòng
qua phía Nam và phía Đông – Nam Mát-xcơ-va để ra sông Vôn-ga thuộc
vùng Goóc-ki, bằng cách đó cô lập Mát-xcơ-va với Pô-vôn-giê và U-ran rồi
sau đó sẽ chiếm thủ đô.
Ở phía Nam, bộ tư lệnh khu vực mặt trận Tây – Nam cho rằng rất có thể
cánh quân địch ở đây, mặc dù rất lớn nhưng chỉ là thứ yếu, sẽ tấn công với
nhiệm vụ chiếm vùng hạ lưu sông Đôn và xâm nhập vào Cáp-ca-dơ tới các