ranh ma kia tha hồ tự hào là đã hạ gục Hercule Poirot ngay từ hiệp đầu.
Như mọi khi, Poirot lại đúng. Tên giám thị nhà thương điên không quay trở
lại, và cuộc điều tra trong đó có tôi ra làm chứng (Poirot, anh ta lảng tránh)
được báo chí bỏ qua, không nói tới.
Trước khi tôi đến, Poirot đã giải quyết mọi công việc để đi Nam Mỹ; do đó
lúc này anh không bận việc gì, phần lớn thời gian đều ở nhà. Nói ít và
không làm gì cả. Anh ngồi thu lu trong ghế bành, nhiều lần tôi gợi chuyện
đều không kết quả.
Một buổi sáng, khoảng tám ngày sau đó, anh yêu cầu tôi cùng đi đến một
nơi định viếng thăm.
Tôi mừng thầm, thâm tâm vẫn sợ anh sẽ mắc sai lầm nếu chỉ lui hui một
mình, chỉ sử dụng khả năng của “chất xám".
Nhưng anh không chịu bắt chuyện, và tôi không biết mình đi đâu.
Poirot thích chơi trò bí mật. Không bao giờ anh chia sẻ với các cộng sự
mẩu tin tức gì, trừ ở phút cuối cùng.
Sau khi đã lên xe buýt và chuyển hai lần tàu, tới gần một khu dân cư thuộc
loại buồn tẻ nhất phía Nam London, anh mới mở miệng:
- Hastings, chúng ta sắp làm quen với con người am hiểu nhất về nước
Trung Hoa huyền bí.
- Ai vậy?
- Hẳn anh chưa từng nghe nói. Một ngài tên gọi John Ingles. Về mọi mặt, là
công chức hưu trí mẫu mực. Người Anh, lớp trung lưu. Thông minh vừa
phải. Nhà ông ta chất đầy đồ mỹ nghệ Trung Quốc - cái thú gàn dở ấy
khiến bạn bè đều phiền lòng. Tuy nhiên, tôi tin rằng người duy nhất có thể
cung cấp thông tin mà tôi tìm kiếm, chính là Ngài John Ingles.
Chúng tôi bước qua cổng biệt thự “Anh Đào". Phần tôi, nhìn quanh chẳng
thấy khóm anh đào nào.
Một người Trung Quốc bộ mặt lầm lì dẫn chúng tôi vào gặp chủ.
John Ingles là một người thấp béo, nước da vàng nhạt, đôi mắt hõm sâu và
đặc biệt tinh anh.
Ông đứng lên tiếp chúng tôi, để sang bên lá thư đã mở đang cầm trên tay, lá
thư mà sau đây ông sẽ nói tới.