đó, Hồ Thích tiên sinh còn từng đánh bài với mẹ và cô của Trương Ái Linh,
có lẽ vì những nguyên nhân này, Hồ Thích cực kỳ quan tâm đến Trương Ái
Linh.
Lúc này, Hồ Thích đã thoát ly khỏi quan trường, đến New York, bắt đầu
cuộc sống quạnh quẽ mà nhàn nhã. Ở đây, ông ở trong nhà ít ra ngoài, mà
thường đóng cửa không tiếp khách. Đồ đạc trang trí trong nhà đậm chất
Trung Quốc, những lúc nhàn rỗi, ông ngồi phơi nắng dưới mái hiên, uống
trà đọc sách, ngày tháng thật yên tĩnh êm đềm. Nhớ về Hồ Thích, Trương
Ái Linh đã viết: “Hồ Thích tiên sinh mặc một chiếc áo dài. Giọng vợ ông
hơi mang khẩu âm An Huy… thái độ cũng có chút xa cách. Tôi nghĩ, có lẽ
bà có những điểm mãi mãi chỉ là học trò của Hồ Thích tiên sinh, khiến tôi
lập tức nhớ đến một ví dụ về hạnh phúc hiếm hoi trong hôn nhân kiểu cũ
của bọn họ mà tôi đã từng được học”.
Ở đất nước lạ lẫm xa xôi này, gặp được cố nhân, rồi lại tình cờ gặp Hồ
Thích tiên sinh, Trương Ái Linh dường như đã thoát ra khỏi nỗi nhớ nhung
bàng bạc về cố quốc. Sau này, Hồ Thích vẫn rất luôn quan tâm đến Trương
Ái Linh, sợ cô cô đơn, ông đã mấy lần gọi điện hỏi thăm cô. Trương Ái
Linh ở chỗ của Viêm Anh một thời gian, ôn lại giấc mộng đẹp thời đại học.
Nhưng cô biết, đây không phải là kế lâu dài, lần này đến nước Mỹ, là để bắt
đầu lại cuộc sống độc lập, cho nên cô phải sống một mình.
Về sau, Trương Ái Linh chuyển đến cư xá dành cho nữ giới Salvation
Army (Đội quân cứu tế), nơi đây sơ sài, thực ra là chỗ dành để cứu tế người
nghèo. Mặc dầu Viêm Anh không đồng ý, nhưng tính tình Trương Ái Linh
cứng cỏi bướng bỉnh, những việc cô đã quyết định thì sẽ không thay đổi.
Cảnh tượng của cư xá nữ giới, thực sự cũng hơi hỗn loạn, hơi tiêu điều xơ
xác. Đây cũng chỉ có thể là nơi dừng chân tạm thôi. Đối với Trương Ái
Linh mà nói, tại thành phố xa lạ này, lại chẳng quen biết ai, cho nên sống
trong hoàn cảnh như thế nào, cô cũng không buồn để ý.