Điều khiến Trương Ái Linh cảm động là, một hôm, Hồ Thích tiên sinh
tìm đến tận nơi để thăm cô. Trương Ái Linh mời ông đi đến phòng khách,
bên trong tối om om, phòng khách đủ rộng bằng hội trường của một trường
học. Trương Ái Linh không biết làm thế nào đành mỉm cười, nhưng Hồ
Thích lại một mực khen nơi này tốt. Rất rõ ràng, đây là sự an ủi đối với
Trương Ái Linh, ông hiểu được nỗi vất vả của một phụ nữ đơn thân ở nơi
đất khách quê người. Người phụ nữ tài hoa rất mực như thế này, nên có một
cuộc sống hạnh phúc an ổn, nhưng cô lại có thể sống bình thản như không ở
một nơi sơ sài như thế này. Hồ Thích đối với Trương Ái Linh, không chỉ là
thương xót, mà còn có cả khâm phục và yêu quý.
Trong bài văn hồi tưởng về Hồ Thích tiên sinh, Trương Ái Linh đã miêu
tả rất kỹ cảnh tượng tiễn biệt, khiến độc giả cảm động khôn xiết. “Tôi đưa
ông ra tận ngoài cửa lớn, đứng trên bậc thang trò chuyện. Trời lạnh, gió to,
gió ào ạt từ sông Hudson cách đó một con phố thổi tới. Thích Chi tiên
sinh[1] nhìn mặt sông xám xịt lộ ra dưới một góc phố, mặt sông dày sương,
không biết vì sao lại cười híp mắt nhìn mãi, nhìn đến ngây người. Ông quấn
khăn rất chặt, chiếc cổ rụt lại trong lớp áo khoác màu đen cũ kỹ, tấm lưng
dày rộng, khuôn mặt khá to, cả người đông cứng lại như một bức tượng bán
thân bằng đồng. Tôi bỗng nghiêm túc nghĩ: Hóa ra đây là dáng vẻ thực sự
của ông mà người ta vẫn nói. Mà tôi xưa nay luôn tin rằng phàm là tượng
thì đều có ‘chân đất sét’, nếu không sẽ không đứng vững, không dám tin.
Lúc đi ra tôi không mặc áo khoác bởi bên trong không khí ấm áp, chỉ mặc
một chiếc áo mùa hè cổ rộng, nhưng không hề thấy lạnh chút nào, đứng hồi
lâu chỉ cảm thấy gió thổi phần phật. Tôi cũng nhìn ra phía mặt sông mỉm
cười, thế nhưng dường như có một trận gió bi ai, từ nơi sâu thẳm của thời
đại, cách mười vạn tám nghìn dặm thổi tới, khiến mắt không tài nào mở ra
nổi. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Thích Chi tiên sinh”.
[1] Thích Chi là tên tự của Hồ Thích.