Trương Ái Linh đã qua đời… Lúc ấy, ông đau lòng khôn xiết, sau mấy lần
đi lại, mới có thể liên hệ được với Trương Ái Linh, ông mới yên tâm. Bao
năm qua, Trương Tử Tĩnh đã quen với sự lạnh nhạt của chị gái, nhưng trong
lòng ông, chỉ cần biết được bà còn sống, bà vẫn còn là tốt rồi.
Sau này nghe tin người cô bệnh, Trương Ái Linh cũng không về Thượng
Hải. Đối với bà, Thượng Hải đã là thành phố của quá khứ, những chuyện
phát sinh ở đó, nay đã là kiếp trước. Dường như bà không còn nhớ một số
việc, một số người, mà cho dù thi thoảng nhớ ra, thì cũng không hề có cảm
giác gì. Một người sống được đến như vậy, cũng coi là một kiểu tu luyện.
Năm 1991, người bạn thân của Trương Ái Linh – Viêm Anh – qua đời.
Người bạn sát cánh bên bà suốt nửa thế kỷ này, cho dù những năm về sau
họ có xa cách, nhưng trong thâm tâm Trương Ái Linh, bà ấy vẫn vô cùng
quan trọng. Tháng 6 năm đó, người cô của Trương Ái Linh là Trương Mậu
Uyên cũng từ trần ở Thượng Hải. Người cô cũng là người thân ruột thịt
nhất trên đời của Trương Ái Linh, họ đã từng ở cạnh nhau suốt bao nhiêu
ngày tháng. Chỉ là thực sự quá xa xôi, bà cố gắng nhớ lại, rốt cuộc vẫn
không nhớ nổi.
Sống chết đối với bà, giống như hoa nở hoa tàn, quá sức tầm thường.
Xưa nay, bà không sợ một ngày nào đó mình đột nhiên chết đi, cũng không
mong ngày ấy tới, bởi vì bà biết, nhân quả sớm đã được định đoạt. Cho nên,
bà để bản thân sống một cách cô độc, được năm nào hay năm đó, được ngày
nào hay ngày đó. Sinh mệnh chỉ là một loại tồn tại giản đơn, gánh nặng trần
thế đã bị vứt bỏ, thì không còn quan trọng nữa.
Năm 1992, Lâm Thức Đồng đột nhiên nhận được một lá thư quan trọng
của Trương Ái Linh, đó là bản sao di chúc của Trương Ái Linh. Nội dung
của bản di chúc này là: Một, tất cả đồ đạc cá nhân đều để lại cho vợ chồng
Tống Kỳ ở Hương Cảng; hai, không cử hành bất cứ hình thức tang lễ nào,
hỏa táng di thể, tro cốt có thể rắc ở bất cứ cánh đồng nào. Người thực thi di
chúc là Lâm Thức Đồng.