một tấm ảnh, cũng là bức chân dung cuối cùng bà để lại cho người đời.
Chúng ta nhìn thấy Trương Ái Linh khi đó đã tóc bạc da mồi, bà rất gầy,
nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời. Trong tay bà cầm một quyển báo giấy, trên
đó in rõ rành hàng chữ lớn màu đen Chủ tịch Kim Nhật Thành đột ngột qua
đời vào ngày hôm qua. Người ta phải giật mình, phải chăng bà đang gửi đến
chúng ta tín hiệu của cái chết.
Sau này, Trương Ái Linh quyết định đưa tấm ảnh này vào làm trang cuối
trong bản tái bản Đối chiếu ký và còn viết thêm một đoạn tự thuật: “Khi
viết cuốn sách này, tôi đã nghiên cứu trong cuốn album cũ rất lâu cách để
báo tin. Cùng mọi người đọc chung một dòng tin tức, thật là có cảm giác
ngay tức khắc ‘cùng chung một lúc góc trời soi chung’. Tờ báo cầm trong
tay lại giống như bức ảnh mà bọn bắt cóc gửi cho người nhà con tin, để
chứng minh rằng con tin ngày hôm đó vẫn còn sống. Thực ra điều này cũng
không phải là so sánh khập khiễng. Có thơ làm chứng rằng: Con người già
nua đa số đều là tù binh của thời gian, dù giam cầm cẩn mật nhưng nó đối
đãi với tôi vẫn còn tốt, đương nhiên nó cũng có thể mỉm cười mà giết chết
tôi bất cứ lúc nào”.
Giấc mộng phù sinh, mấy độ vui say. Cuộc đời khác thường và hoa lệ
của Trương Ái Linh không bao lâu nữa sẽ ra mắt chào độc giả trong Đối
chiếu ký. Đây là một cõi Ta Bà[1], ồn ào náo nhiệt, đến đến đi đi, duy chỉ từ
bỏ, mới là tồn tại.
[1] Cõi Ta Bà: Theo quan điểm Phật giáo, “cõi ta bà” chẳng khác gì
quán trọ, nhân loại sống trong cõi này đều giả tạm, vô thường, không thật.
Suốt cả cuộc đời chúng ta xoay vòng với sinh, lão, bệnh, tử, bị tiền tài, danh
vọng chi phối, bức bách thật khổ não.