Kỳ thực, “Cảng chiến” cũng chỉ ngắn ngủi có mười tám ngày. Nhưng
mười tám ngày này, lại khiến Trương Ái Linh nhìn thấy sự hoang lạnh như
sóng dâng ào ạt trong thời loạn lạc ấy. Khi chiến tranh ập đến, người ta cảm
thấy nó là tai nạn, nhưng khi nó đi qua, người ta lại cảm thấy đây chỉ là một
sự bất ngờ. Đối với nỗi giày vò đến rất đột ngột này, những người dân bình
thường không thể lựa chọn bất cứ giải pháp nào. Đặc biệt, khi đối mặt với
tiếng pháo súng nổ ầm ầm, những nữ sinh của Đại học Hương Cảng dường
như quên cả hoảng loạn.
Trong Tẫn dư lục[1] có viết: “Thái độ của mọi người đối với chiến
tranh, có thể lấy một ví dụ như sau, giống như một người ngồi ngủ gà ngủ
gật trên chiếc ghế băng cứng, tuy rằng không thoải mái, hơn nữa còn không
ngừng oán trách, nhưng rốt cuộc vẫn ngủ được”. Mọi người ở tịt trong nhà
ít khi ra ngoài, giấu mình trong những nơi cho là an toàn, không chịu lộ
diện. Thời gian ném bom, Viêm Anh dường như không sợ bất cứ thứ gì, cô
ấy vẫn mạo hiểm vào thành xem phim, một mình về ký túc xá tắm rửa.
Trương Ái Linh nói: “Sự không để tâm của cô ấy dường như lại là một sự
châm biếm đối với nỗi sợ hãi của mọi người”.
[1] Tập tạp văn tương đối dài của Trương Ái Linh, được viết vào năm
1944, ghi chép lại những sự kiện và con người trong cuộc chiến tranh
Hương Cảng vào hai năm trước đó.
Vì chiến tranh, Đại học Hương Cảng tạm ngừng giảng dạy, những sinh
viên bản địa thì về nhà, còn những sinh viên bên ngoài đành tham gia công
tác giữ thành, thì mới có thể giải quyết được vấn đề ăn ở. Trương Ái Linh
cũng chỉ còn cách đăng ký, làm một đoàn viên phòng không tạm thời.
Trong tiếng đại bác, cô lo lắng mình sẽ chết giữa những con người xa lạ
này. Dưới bom đạn khói súng, cô chỉ cảm thấy sinh mệnh thật hư ảo, sự
sống chết vinh nhục của mỗi người sao mà nhỏ nhoi đến thế.
Cơn nguy hiểm thành phố bị bao vây mười tám ngày kéo dài tựa thế kỷ,
cũng tạm coi như đã qua đi. Trong Tẫn dư lục, Trương Ái Linh đã viết: