của ngày thờ phụng Chúa: dòng thủy triều tàn dư của tối thứ Bảy vỗ bọt
sóng cuối cùng vào nỗi buồn tẻ miệt mài của sinh hoạt kiếm miếng ăn và
chỗ ở hàng ngày.
Vì thế Ned và Boon trùm cái chăn lên con ngựa. Rồi từ vỉa hè, bọn ta ‐
Ned, Otis và ta ‐ nhìn Boon và Sam trong chế độ đa phu… có thể không
thân thiện nhưng ít ra đình chiến, cô Corrie đi giữa họ, dắt con ngựa ra giữa
đường từ vòm sáng này qua vòm sáng khác trong tối Chủ nhật yên tĩnh trên
đường Số Hai và Số Ba, tới nhà ga Union. Bây giờ đã quá mười giờ, chỉ
còn vài ngọn đèn trong mấy nhà trọ khác (bây giờ ta đã có kinh nghiệm, ta
đã là một kẻ sành điệu ‐ dĩ nhiên không thạo nhưng ít ra cũng hiểu biết. Khi
gặp chỗ nào tương tự như nhà cô Reba là ta biết ngay). Nhưng các quán
rượu đều tối. Thật ra ta không biết đó là quán rượu nếu chỉ đi ngang nó, vẫn
còn một số điểm ta chưa rõ. Ned là người bảo bọn ta ‐ Otis và ta ‐ đó là các
quán rượu, và chúng đã đóng cửa. Ta đã tưởng là không phải, chẳng đóng
cũng chẳng mở, hãy nhớ ta mới ở Memphis (trên đường Catalpa) chưa tới
sáu tiếng, không có bố mẹ để chỉ dẫn, ta xoay xở cũng khá.
“Họ gọi nó là luật xanh”, Ned nói. “Luật xanh là gì?” ta hỏi.
“Tôi cũng không biết”, Ned nói. “Chắc nó có nghĩa là họ hết sạch sành
sanh tiền bạc vào tối thứ Bảy, và không ai còn đủ tiền đáng để thắp dầu
đèn.”
“Chỉ đúng với quán rượu thôi”, Otis nói, “Như vậy chẳng hại ai. Cái gì
không bán vào tối Chủ nhật thì họ cứ giữ lại rồi bán cho người ta, có lẽ
cũng mấy người quen, vào thứ Hai. Nhưng giậm‐giật thì khác. Người ta có
thể bán nó tối hôm nay rồi lại quay lại bán cái giậm‐giật đó lần nữa ngày
mai. Đâu có mất gì. Nếu họ định đặt cái luật xanh đó lên giậm‐giật, cảnh
sát sẽ tới ngăn họ”.
“Giậm‐giật là cái gì?”, ta nói.
“Mày biết nhiều lắm phải không?”, Ned nói với Otis, “Hèn chi
Arkansaw giữ mày không nổi. Nếu toàn bộ dân ở đó biết nhiều như mày
khi ở tuổi mày thì tới khi họ hai mươi mốt ngay cả Texas cũng không đủ
chỗ chứa”.