nổi. Mình làm không nổi.” Và Boon giọng thở hắt yếu ớt nhẹ như lời yêu
đương thì thầm:
“Vậy thì tránh ra nếu không tôi sẽ cán lên cậu.”
“Không”, ta nói. Ta lảo đảo, trượt nhào ra phía sau để tới chỗ ông.
“Không”, ta nói. “Ông đang tự sát đấy.”
“Tôi chưa mệt”, Boon nói với giọng khô khan thều thào. “Tôi mới bắt
đầu. Nhưng cậu với Ned có thể nghỉ. Trong khi cậu thở, nhờ cậu lôi thêm
bụi cây đó…”
“Không”, ta nói, “Không! Ông ta tới rồi! Ông muốn ông ta thấy à?” Vì
bọn ta có thể thấy và nghe tiếng ông ta ‐ tiếng chân hai con la bì bõm khi
rón rén bước bên mép hố bùn, vòng dây xích loảng xoảng như âm nhạc,
người đàn ông cưỡi trên một con la và dắt con kia, giày ông ta cột lại quàng
trên một vòng buộc dây cương, cặp gióng ngang lủng lẳng phía trước như
bọn thợ săn bò tót đeo súng trong mấy tấm ảnh ngày xưa ‐ một ông hốc
hác, già hơn bọn ta ‐ ít nhất là ta.
“Chào buổi sáng, tụi nhóc”, ông ta nói. “Coi bộ bây giờ tụi bay sẵn sàng
nhường cho tao rồi. Xin chào, nhóc xứ Jefferson”, ông ta nói với Boon,
“Coi bộ rốt cuộc mùa hè trước mày vượt qua được”.
“Chắc vậy”, Boon nói. Ông đã thay đổi, lập tức và hoàn toàn, như lật
quân bài: giống một kẻ đánh phé vừa mới thấy lá ách thứ nhì rơi vào tay bài
bên kia bàn. “Lần này đáng lẽ tụi tôi cũng qua được nếu mấy ông không
quậy bùn ở đây lên một cách quá đáng.”
“Đừng trách tụi tao”, người đàn ông nói, “Bùn là thu hoạch khá nhất của
tụi tao ở vùng này”.
“Hai đô mỗi hố bùn chắc là thu hoạch khá nhất của ông”, Ned nói.
Người đàn ông nháy mắt với Ned.
“Tao không biết nhưng có lẽ mày nói đúng”, ông ta nói. “Đây. Mày cầm
cặp gióng ngang này, coi bộ mày là đứa biết chỗ để móc nó vào con la.”
“Xuống mà tự làm lấy”, Boon nói, “Tại sao tụi tôi phải trả ông hai đô để
làm thầy đời? Hồi năm ngoái ông tự móc dây”.