nhiên khi trong đám bụi có chiếc ô tô khác. Bọn ta vượt qua nhau, trộn bụi
của bọn ta vào đám bụi khổng lồ như cây cột, một cột chỉ đường dựng lên
che phủ vùng đất với bảng phác họa cho tương lai: tiến lui như đàn kiến,
lòng khao khát lên đường khôn cưỡng, số phận cơ khí hóa, chuyển động
hóa, chẳng thể tránh khỏi của Hoa Kỳ.
Và giờ đây bụi phủ xám từ mí mắt tới ngón chân (nhất là quần áo còn ẩm
của Boon), bọn ta có thể rút ngắn thời gian trong chốc lát, dù tốc độ có thể
không nhanh.
Không tắt máy, Boon bước ra khỏi xe và nhanh nhẹn đi vòng qua bên ta,
nói vội với ta: “Nào. Luồn qua. Cậu biết cách mà. Miễn đừng nghĩ cậu là
đầu máy xe lửa bốn chục dặm một giờ.” Thế là ta lái qua buổi chiều rực
nắng tháng Năm. Nhưng ta không thể nhìn nắng chiều, ta quá bận, quá tập
trung (ừ thì, quá căng thẳng và kiêu hãnh). Chiều Chủ nhật, sự nghỉ ngơi,
giờ đây bông gòn và ngô không bị quấy rầy, mấy con la cũng nghỉ lễ và
nhàn nhã trên đồng cỏ, người ta vẫn còn mặc áo quần ngày Chủ nhật trên
các hành lang và trong sân rợp bóng mát, với ly nước chanh hay cốc kem
sau bữa ăn. Rồi bọn ta cũng phóng nhanh, Boon nói, “Bây giờ mình sắp tới
mấy thị trấn. Nên để tôi cầm lái.” Bọn ta đi tiếp. Thế giới văn minh giờ đây
xuất hiện không ngớt: những cửa hàng nông thôn và xóm làng nơi giao lộ;
bọn ta vừa qua khỏi một xóm lại gặp ngay xóm khác. Buôn bán nhộn nhịp
quanh bọn ta, bầu không khí thực sự đô thị, ngay cả bụi bặm bọn ta làm
tung lên và lao vào cũng có mùi vị thành phố trung tâm trong lưỡi và mũi;
ngay cả bọn trẻ con và bầy chó cũng không còn chạy ra cổng và hàng rào
để nhìn bọn ta cùng ba chiếc ô tô khác bọn ta đã vượt qua trong mười ba
dặm cuối.
Rồi hết vùng quê. Không còn khoảng cách giữa các căn nhà, phân xưởng
và cửa tiệm; bất chợt trước mặt bọn ta là một đại lộ rộng trồng cây hai bên
và ngăn nắp với nhiều đường xe ở giữa; và chắc chắn có cả xe điện chở
khách, người soát vé và ông lái xe chỉ việc hạ thấp toa phía sau và nâng
phía trước để xoay tròn nó rồi đi ngược về Phố Chính.