vẫn nghĩ anh là một ngôi sao! Tôi vẫn luôn ký tặng sách. Tháng nào tôi cũng
phải ký tặng vào cuốn sách chết tiệt đó. Cuốn sách này dành cho tất cả mọi
người! Cho cả những tay thợ sửa xe! Cuốn sách chết tiệt đó nằm trong mọi
thư viện trên thế giới. Họ vẫn giảng dạy nó tại các trường kinh doanh!”
Johnson vẫn rất kỳ lạ khi luôn tán dương hành động của mình theo kiểu
một người bán hàng, và phớt lờ các hậu quả xấu của những hành động đó.
“Ross có một khả năng hợp lý hóa đáng kinh ngạc, và điều đó đã giúp ông
ấy luôn vững vàng trong cuộc sống,” Peter Rogers, một cấp phó lâu năm của
ông nhận xét về cấp trên của mình. “Ông ấy tin rằng mình đã làm giàu cho
các cổ đông, rằng những người thân cận của ông ấy sau thỏa thuận đó đều có
cuộc sống tốt, vì vậy nên tất cả đều thật tuyệt vời. Ông ấy chỉ nhìn thấy bể
nổi của vấn đề.”
Tuy nhiên, trong những năm qua, Johnson không lạc quan đến vậy.
Thỏa thuận RJR khiến ông mất cả sự nghiệp, công ty và phần lớn danh
tiếng. Chỉ qua một đêm, ông mất hết máy bay phản lực tư nhân, căn hộ công
ty, và cảm giác về quyền lực mà chỉ giám đốc điều hành của một công ty lớn
mới thấu hiểu. Johnson khẳng định ông không bao giờ nhìn lại. Sự kỳ thị với
lòng tham ư? “Ồ, điều đó biến mất ngay sau đó [sau thỏa thuận]. Hoàn toàn
biến mất. Bay hạng thương gia ư? Ồ, Tôi thích điều đó!” ông thốt lên.
“Không còn ai làm phiền anh, trình lên cho anh hàng đống giấy tờ. Tôi thích
điều đó! Nghe này, tôi đã làm điều đó 38 năm (trong giới kinh doanh) và rồi
giờ tôi có một cuộc sống tuyệt vời. Tôi cho rằng: ‘Cuộc sống trước công
chúng của tôi thế là đủ rồi.’” Vì vậy, tôi đã đi từ chỗ có 120.000 nhân viên
đến nay có bốn nhân viên. Bây giờ, tôi giảm xuống còn ba. Khi chuyển
xuống Florida, tôi không cần tài xế nữa.”
Thỏa thuận này có vẻ cũng khiến cuộc hôn nhân của ông phải trả giá,
chẳng phải là Johnson vẫn ám ảnh về điều đó sao. Ông và Laurie đã ly dị
vào năm 1995. “Tôi đã nói với Ross khi mọi chuyện bắt đầu,” Charlie Hugel
nhớ lại, “nếu ông ấy mất tất cả, các căn hộ và máy bay, Laurie sẽ rời bỏ ông
ấy.”