Hai mắt tôi đỏ như hai tròng lửa, tôi muốn bóp chết đứa con gái thị
thành vừa ăn nói nhăng cuội. Cánh rừng trước mặt thấm đẫm màu mắt to
buồn. Tôi vùng chạy nhanh hơn, bàn chân nhỏ bé tứa máu. Tôi cũng chỉ là
một người Kinh như đứa con gái kia. Tất cả chúng tôi ở thị thành đều như
thế. Tôi cũng ưa ăn ngon, mặc đẹp, cũng đã sợ hãi những người Thượng
hiếp mình... Cứ thế, tôi chạy hối hả về thành phố, về căn nhà gạch Tây sát
ven hồ.
❉❉❉
“Cô nghĩ cuộc sống bên ngoài ngôi nhà này tự do lắm ư? Cô tưởng rời
tôi ra là cô sẽ thành ngay một người tốt được ư? Cô sẽ phải ở bên cạnh tôi
suốt cuộc đời, bởi vì cô đã làm vợ tôi, đã chia thân xác cô với tôi. Cơ thể
của cô là cơ thể của tôi. Cô ghi nhớ kỹ điều đó để mà nghiền ngẫm”.
Tiếng vợ được đôi môi mỏng quẹt của Công kéo dài lỏng thỏng như
một miếng bánh nếp. Khi tôi từ Tây Nguyên trở về, màu gạch Tây của căn
nhà đã hóa đỏ sậm, màu cánh phù du. Chỉ có tôi mới hiểu màu phù du trông
thế nào. Hồ Gươm câm lặng, gió bị suy hô hấp, không khí như một nồi
cháo đặc. Mà tôi chẳng bao giờ thích cháo. Tôi cũng trở nên câm lặng như
nước hồ. Câm lặng thản nhiên trước bóng gió mạt sát của chồng. Tôi cũng
chẳng còn cảm giác gì khi Công lột quần lót kiểm tra mỗi tối. Cây sấu già
nhìn tôi cong queo, khô héo. Tôi nhắm mắt chịu cho trí óc được thanh lý
sạch sẽ. Thấy tôi câm nín, Công tỏ ra hài lòng, cho đấy là sự phục tùng
khuôn phép. Tôi biết mình không phục tùng khuôn phép nào và cũng không
nổi loạn đập phá. Tôi biết tôi cần tồn tại. Đêm đêm, khi Công vắng nhà, tôi
ngồi bên cửa sổ ngắm mặt hồ đen tối rồi nhìn ngắm ngôi nhà trống hoác.
Căn nhà có trí nhớ không? Hiện diện bao đời mà không hề có dấu vết người
sống? Khi Công cho xây thêm lầu, chắc hẳn anh cũng đã điều tra tịch biên
tất cả quá khứ của từng viên gạch. Tôi nằm ngửa giữa lòng giường không
có kỷ niệm, giấc mơ dòng sông với khuôn trăng vàng không còn in trên
trần. Dấu chân của đứa bé cũng không còn làm ướt mặt thảm mỗi đêm. Tôi
đã không còn thức trong khi ngủ. Tôi đang biến thành vật vô tri như Công
muốn.