Tín hiệu
SEMION IVANOV làm gác tàu trên đường sắt. Từ bốt gác của anh đến ga
tiếp theo là mười hai dặm, đến ga phía bên kia là mười dặm. Cách đó bốn
dặm, vào năm ngoái người ta khai trương một nhà xay lúa, ống khói của nó
nhô lên đen thẫm sau cánh rừng, còn gần hơn, ngoài các bốt canh khác, gần
đó không có nhà cửa gì cả.
Semion Ivanov là người ốm yếu quặt quẹo. Chín năm trước anh tham gia
chiến tranh, làm cần vụ cho một sĩ quan và suốt đợt viễn chinh ở cùng ông
ta. Anh từng bị đói khát, bị rét cóng, bị thiêu cháy dưới nắng mặt trời, từng
hành quân bốn năm chục dặm trong nắng cháy hay trong băng giá, đôi khi
đi cả dưới làn đạn, nhưng may mắn chưa bị dính viên đạn nào. Có lần trung
đoàn lên tuyến đầu, cả tuần lễ bắn nhau với quân Thổ: phòng tuyến ta ở bên
này, cách một quãng trũng là quân Thổ, bắn nhau từ sáng đến tối. Sĩ quan
của Semion cũng ở đó, mỗi ngày ba bận Semion mang từ bếp ăn của trung
đoàn ở trong khe núi ra cho ông ta ấm xamôva nóng và bữa trưa. Anh bê ấm
xamôva chạy qua khu đất trống, đạn bay chiu chíu, va vào vách đá, Semion
khiếp đảm, bật khóc, nhưng vẫn đi. Các ngài sĩ quan rất hài lòng về anh:
luôn luôn có trà nóng cho họ. Semion từ mặt trận trở về lành lặn, chỉ có tay
chân bị thấp khớp. Từ đó đến nay anh trải qua bao đau khổ. Lúc trở về nhà,
người cha già qua đời, con trai nhỏ mới lên bốn cũng chết, vì đau họng, còn
lại trơ trọi Semion cùng vợ. Chẳng làm ăn gì được, bởi tay chân sưng tấy
khó mà cày cấy. Họ ở lại làng không lâu, rồi phải đến những nơi mới tìm
hạnh phúc. Semion cùng vợ lúc ở khu phòng tuyến, lúc ở Kherson, lúc ở
vùng sông Don, nhưng chẳng đâu may mắn. Rồi vợ đi làm giúp việc nhà,
còn Semion vẫn lang thang như trước. Có lần anh phải đi bằng tàu hỏa, đến
một ga thì gặp ông trưởng ga hình như là người quen. Semion nhìn ông ta,
ông này cũng nhìn chăm chăm vào mặt Semion. Họ nhận ra nhau: hóa ra
ông ấy là sĩ quan của trung đoàn anh.