thuộc chủ đề. Những gì không cần thiết, những tạp chất, đều bị họ gạt bỏ
không thương tiếc. Nhưng khoan, cũng không hẳn là thế. Bên cạnh những
cái thuộc tinh chất ta lại bắt gặp những nét tưởng chừng chẳng có liên quan
gì tới chủ đề, có vẻ như thừa. Nhưng thử bỏ những cái thừa ấy đi mà xem -
tác phẩm sẽ mất đi vẻ đẹp mà ta đã được thấy. Tức là, chúng là những cái
thừa cần thiết, những cái thừa có chọn lọc bằng vô thức, những cái thừa xét
cho cùng là cố ý của tác giả. Thiếu những cái thừa đó văn hết là văn. Nó
thành xác chết.
Tôi sẽ không chứng minh điều này. Nó vô ích như khi ta cố chứng minh
vẻ đẹp của một buổi bình minh chẳng hạn.
Mà cũng đừng hoài công kể lại những truyện ngắn của Paustovsky.
Chúng ta hãy thử nhớ lại "Chú Bé Chăn Bò", "Gió Biển", "Chuyến Xe
Đêm", "Người Đầu Bếp Già"... Liệu có thể kể lại những câu chuyện trong
những truyện ngắn đó không nhỉ? Có người đã kể, kể rất hay, nhưng nghe
xong, tôi nghĩ rằng sự mất mát trong câu chuyện được kể lại có thể tính
bằng số bách phân là 90 phần trăm.
Paustovsky có thể từ một chi tiết rất nhỏ mà dựng thành một truyện
ngắn. Nhưng qua truyện ngắn đó ta được biết không phải một người - nhân
vật chính - mà nhiều người, và hơn thế nữa, dấu vết của cả một khoảng thời
gian.
Cái "hư" trong văn Paustovsky có một đặc tính được nhiều người nhận
xét. Dường như ông khám phá được trong tâm hồn ông, và trong tâm hồn
người nói chung, sự ưa thích bản năng những cái không bình thường. Cho
nên nói về cái bình thường bằng con đường tìm kiếm, lựa chọn để rồi đưa ra
cái có vẻ không bình thường lại là con đường ngắn nhất của sự biểu đạt cái
đẹp. Nhưng nếu cái không bình thường ấy quá xa lạ với trí tưởng tượng của
người đọc thì cũng hỏng, người đọc sẽ đẩy nó ra và người viết thế là hoài
công. Cần phải chọn cái không bình thường bình dị, nghĩa là cái có thể có,
có thể xảy ra, dường như người đọc có thể thấy nó, nhưng do vô tình đã đi