cực độ.
Bà nằm đó, nhỏ nhắn như một thiếu nữ trong bộ áo vũ hội tha thướt,
màu vàng óng. Vạt áo lỏng lẻo quấn quanh chân bà. Dưới lần vải áo còn
nhìn rõ đôi giày đen nhỏ nhắn bằng da thuần lộc. Một đôi găng da mềm
mại, trắng toát, bó chặt đến khuỷu đôi tay cầm nến. Một bó hồng đỏ thắm
bằng lụa được gài trên ngực áo.
Mặt bà lão phủ mạng và nếu như không có đôi khuỷu tay khô xác và
nhăn nheo hiện rõ giữa tay áo và đôi găng trắng, ta có thể nghĩ rằng người
nằm đấy là một thiếu phụ trẻ, vóc dáng cân đối.
Nastia về chậm mất ba ngày. Khi nàng tới nơi thì đám tang bà lão đã
xong.
Tất cả những gì tôi kể trên chính là cái chất liệu cuộc sống mà nhà văn
có được, từ đó tác phẩm nảy sinh.
Đặc biệt là mọi hoàn cảnh, mọi chi tiết, cả đến cảnh ngôi nhà vùng quê
và mùa thu đều thích ứng hoàn toàn với tâm trạng của bà lão Katerina, với
tấm thảm kịch trong tâm hồn mà bà đã phải chịu đựng trong những ngày
cuối cùng của đời mình.
Nhưng tất nhiên, không phải tất cả những gì tôi đã thấy và đã suy đi
nghĩ lại lúc ấy đều được đưa vào "Bức điện". Rất nhiều cái còn nằm ngoài
lề truyện ngắn. Chuyện đó thường xảy ra.
Nói theo ngôn ngữ nhà văn thì thường muốn viết một truyện ngắn không
lớn lắm nhà văn vẫn phải "khai thác" số chất liệu lớn hơn để chọn lựa trong
đó những gì quý giá nhất.
Tôi đã có dịp quan sát công việc của những diễn viên giỏi khi họ đóng
những vai phụ. Nhân vật mà anh ta thủ vai chỉ nói có đôi ba câu trong suốt
vở kịch, nhưng diễn viên đã vặn đi vặn lại tác giả không riêng về tính cách