Tối tối chúng tôi quây quần bên máy thu thanh nghe tin chiến sự Tây
Ban Nha.
Chúng tôi đáp xe đến đài thiên văn Simeiz. Một nhà thiên văn đầu bạc
phơ chỉ cho chúng tôi xem bầu trời sao, ánh sáng tỏa ra từ những đốm lửa
hiếm hoi và xa lơ xa lắc trong những vực thẳm bao la của trời.
Thỉnh thoảng tiếng súng tập trận của những chiếc tàu chiến thuộc hạm
đội Hắc hải vang đến tận Yanta. Khi tiếng súng dội đến, nước trong những
bình thủy tinh rùng mình, một tiếng rền khẽ chạy qua đồng cỏ, quanh quẩn
trong đám lá thông rồi câm bặt.
Ban đêm những chiếc máy bay vô hình ầm ì trên trời.
Tôi đọc một cuốn sách của Franco nói về Cervantes. Sách chẳng có mấy
vì thế tôi đọc đi đọc lại cuốn đó mấy lần.
Vào thời kỳ này cây thập ngoặc bốn chân bắt đầu bò rất nhanh trên châu
Âu. Những con người cao quý của nước Đức - Heinrich Mann, Einstein,
Remarque, Stephan Zweig - đã rời bỏ quê hương, không muốn trở thành
đồng lõa với "nạn dịch hạch nâu" và tên vô lại điên khùng Hitler. Những
người lưu vong nơi đất khách vẫn mang theo nơi tim niềm tin bất di bất
dịch ở thắng lợi của chủ nghĩa nhân đạo.
Gaidar mang về cho ngôi nhà chúng tôi ở một con chó béc-giê lộc ngộc
lông xù có đôi mắt vàng ươm. Anh bảo nó là chó chăn cừu miền núi.
Hồi đó Gaidar đang viết truyện ngắn tuyệt diệu của anh - truyện "Cái
Chén Màu Thiên Thanh". Và vờ như không biết tí gì về văn học. Nói
chung, anh hay giả bộ ngớ ngẩn.
Đêm đêm Hắc hải ầm ì buồn thảm. Nó ầm ì cả ban ngày, nhưng ban
ngày thì không nghe rõ đến thế. Có tiếng ầm ì của biển viết cũng dễ hơn.