mấy cái quai vào đế gỗ - thế là xong!) và vẽ quảng cáo chiếu bóng (họ vẽ
bằng màu pha keo) trên những tấm ván mỏng cong queo.
Nhưng một lần xưởng họa gặp may. Người ta giao cho nó làm cái gọi là
"trang trí phần mũi" cho một chiếc tàu Hắc Hải, chiếc tàu độc nhất trong
thời gian đó, tên là "Pestel". Con tàu chuẩn bị đi Batum chuyến đầu tiên.
Người ta làm cái công trình ấy bằng sắt tấm, rồi vẽ linh tinh lên trên nền
đen của nó một thứ trang trí hình cây cỏ.
Công việc ấy lôi cuốn tất cả mọi người, đến nỗi viên cảnh sát Jora
Kozlovsky có lần bỏ cả vị trí gác gần đấy để đến xem.
Hồi đó tôi đang làm thư ký cho một tờ báo hàng ngày, tờ "Thủy Thủ".
Làm việc trong tờ báo này, nhìn chung, có nhiều nhà văn trẻ, trong số đó có
Kataev, Bagritzky, Babel, Olesha và Ilf. Trong số những nhà văn già, có
kinh nghiệm, chỉ có Andrey Sobol là hay đến tòa soạn. Ông là một người dễ
thương, không bao giờ ngồi yên chỗ, lúc nào cũng tất ta tất tưởi vì một
chuyện gì đó.
Một hôm Sobol mang đến cho tờ "Thủy thủ" một truyện ngắn. Bản thảo
ông giao rách mướp, lẫn lộn lung tung, mặc dầu đề tài rất thú vị và hiển
nhiên đó là câu chuyện do một bàn tay tài năng viết ra.
Đọc xong truyện ngắn của Sobol, mọi người đều băn khoăn: cứ để
nguyên dạng lôi thôi luộm thuộm như thế mà in ra thì không được, mà đề
nghị Sobol sửa lại thì không ai dám. Trong chuyện này Sobol là một người
hết sức cứng nhắc, vì tính tự ái của tác giả thì ít (cái đó chính Sobol lại
không có) mà vì bệnh thần kinh của ông thì nhiều: ông không thể làm lại
những gì đã viết, ông đã mất hết hứng thú đối với chúng.
Chúng tôi ngồi thừ ra: làm thế nào bây giờ? Cùng ngồi với chúng tôi có
ông già Blagov, người sửa bài của toà soạn chúng tôi, nguyên chủ nhiệm tờ