biển đi ngược dòng từ cửa Le Havre vào Rouen. Những viên thuyền trưởng
biết rằng ở khúc sông này muốn khỏi đi chệch luồng thì phải "nhắm hướng
cửa sổ nhà ông Flaubert".
Thỉnh thoảng họ trông thấy một người đàn ông vạm vỡ trong chiếc áo
choàng phương Đông sặc sỡ. Người đó đi đến bên cửa sổ, gục đầu vào
thành cửa và nhìn ra sông Seine. Đó là điệu bộ của một người mệt mỏi đến
rã rời. Nhưng vị tất những người thủy thủ kia biết được rằng người đứng
sau cửa lại là một nhà văn vĩ đại của nước Pháp, một người khổ sở vì cuộc
vật lộn để đạt tới sự hoàn mỹ văn xuôi, cái "thể lỏng đáng nguyền rủa nhất
định không chấp nhận một hình thức cố định nào".
Đối với Balzac, mọi nhân vật của ông đều là những con người sống và là
những người thân thuộc của ông. Lúc thì ông hầm hè gọi họ là quân khốn
nạn và đồ ngốc, lúc thì cười tủm tỉm, hài lòng vỗ vai họ, lúc thì vụng về an
ủi họ trong cơn hoạn nạn.
Trong con người Balzac lòng tin ở sự sống thật của các nhân vật của
mình và ở sự thật không ai chối cãi được rằng ông đang viết về họ, thật là
kỳ quặc. Có thể chứng minh điều đó bằng một câu chuyện lý thú trong đời
ông.
Trong một truyện ngắn của Balzac có một cô tu kín trẻ tuổi (tôi không
nhớ tên cô, nhưng ta cứ gọi tạm cô là cô Jeanne). Bà Nhất coi nhà tu cử cô
Jeanne ngoan đạo kia đi Paris để làm một số công chuyện cho tu viện. Cuộc
sống hào nhoáng, ngược xuôi, lóa mắt của thủ đô làm cho cô sửng sốt, bàng
hoàng. Trong ánh sáng của những ngọn đèn loa đốt bằng hơi, cô đứng hàng
giờ ngắm nghía những đồ vật sang trọng chưa từng thấy bày trong tủ kính
các cửa hàng. Cô nhìn thấy những người đàn bà mặc áo váy mỏng tang và
thơm phức. Những bộ quần áo ấy như lột trần thân thể của những người đẹp
kia, làm nổi bật toàn bộ vẻ kiều diễm của những cái lưng thon, những cặp
đùi cao, những đôi vú nhỏ và nhọn.