Công nợ buộc ông phải làm như thế, mặc dầu ông vẫn ý thức được rằng
cuốn tiểu thuyết của ông còn chưa chín khi ông ngồi vào bàn viết. Biết bao
ý nghĩ, hình tượng, chi tiết phí hoài chỉ vì chúng đến quá muộn trong đầu
nhà văn, khi tác phẩm hoặc đã xong hoặc theo ý ông đã hỏng hẳn, không
cách nào sửa chữa nổi.
Đostoevsky nói về mình:
"Vì nghèo túng tôi buộc phải làm việc vội vã, tôi viết để kiếm tiền, do
đó nhất định tôi phải làm hỏng tác phẩm".
Lúc còn trẻ, Chekhov có thể viết ngay trên bệ cửa sổ trong một căn
phòng chật hẹp và ồn ào ở Moskva. Truyện ngắn "Người Thợ Săn" ông viết
trong buồng tắm. Nhưng cùng với năm tháng, cung cách làm việc dễ dàng
ấy cũng mất đi.
Lermontov sáng tác thơ trên bất cứ vật gì. Hình như những bài thơ ấy
hình thành tức khắc trong não bộ ông, ca hát trong tâm hồn ông, để rồi ông
chỉ có việc vội vã ghi chúng lại, không cần sửa nữa.
Chỉ cần trước mặt có một chồng giấy sạch sẽ và đẹp, thế là Aleksey
Tolstoy đã có thể viết được.
Ông thú thực rằng khi ngồi vào bàn, ông thường chưa biết mình sẽ viết
gì. Trong đầu ông lúc ấy mới chỉ có một tình tiết đẹp đẽ. Từ tình tiết ấy
sáng tác của ông bắt đầu và dần dà nó kéo ra cả một câu chuyện như kéo
một sợi chỉ thần.
Ạ Tolstoy gọi trạng thái lao động, hay cảm hứng, là "bốc", theo cách của
ông. "Nếu đã "bốc" - ông nói - thì viết được nhanh lắm. Nếu không, tôi phải
vứt đấy cái đã".
Tất nhiên Ạ Tolstoy là một người có tài sáng tác tức thời ở mức độ cao.
Tay ông không chạy theo kịp ý nghĩ của ông.