Chắc chắn là hết thảy các nhà văn đều biết cái trạng thái tuyệt diệu trong
lúc làm việc, khi một ý mới hoặc một cảnh mới bất thần hiện ra, như thể
chúng từ trong đáy sâu của tâm thức bật mạnh ra ngoài, tựa những tia chớp.
Nếu không ghi lại ngay lúc ấy, chúng có thể biến mất không để lại dấu vết
gì, như cách chúng đã hiện ra.
Trong chúng có ánh sáng, có sự rung động, nhưng chúng mong manh
như những giấc mơ. Những giấc mơ mà chúng ta chỉ nhớ trong khoảng
khắc khi vừa tỉnh dậy và lại quên ngay. Sau đó dù chúng ta có tự dằn vặt cố
nhớ lại đến mấy, chúng ta không bao giờ nhớ lại được. Những giấy vở ấy
chỉ còn để lại một cảm giác về một cái gì khác thường bí ẩn, một cái gì
"huyền diệu" như cách nói của Gogol.
Cần phải ghi cho kịp. Chỉ trù trừ một chút là ý nghĩ kia vừa lóe lên đã
biến mất.
Có lẽ vì thế mà nhiều nhà văn không thể viết trên những tờ giấy nhỏ,
những băng giấy, như các nhà báo thường làm. Chớ có rời tay khỏi giấy quá
nhiều, bởi vì chỉ dừng lại một chút thôi, một khoảng khắc rất nhỏ thôi, thì
cái đó cũng có thể nguy hại rồi. Rõ ràng hoạt động của ý thức diễn ra đến
độ hoang đường.
Nhà thơ Pháp Béranger có thể viết những bài ca của ông trong những
tiệm cà phê rẻ tiền. Cả Ehrenburg, theo chỗ tôi biết, cũng thích viết trong
những tiệm cà phê.
Điều đó dễ hiểu. Bởi vì không có sự cô độc nào tốt hơn là ở giữa đám
đông náo nhiệt, tất nhiên, nếu như không ai trực tiếp kéo anh ra khỏi suy tư
và không xâm phạm đến sự tập trung tư tưởng của anh.
Andersen thích nghĩ ra những truyện thần tiên của ông ở trong rừng.
Ông có một cặp mắt rất tốt, gần như là một cái kính hiển vi. Vì thế ông có
thể ngắm nghía một miếng vỏ cây hay một chiếc lá thông già và thấy ở