một người hay một hiện tượng bất kỳ từ trong bóng tối ra ngoài, như một tia
sáng.
Chẳng hạn ta muốn tạo hình tượng một cơn mưa mới bắt đầu, ta chỉ cần
viết rằng những hạt đầu tiên của nó rơi lộp độp trên một tờ báo lăn lóc dưới
đất, bên cửa sổ.
Hoặc muốn cho người đọc có cảm giác rùng rợn trước cái chết của một
đứa trẻ mới sinh, ta chỉ cần nói về chuyện đó như Aleksey Tolstoy đã nói
trong cuốn "Con đường đau khổ" của ông:
"Mệt đến rã rời, Dasha ngủ thiếp đi và khi nàng tỉnh dậy thì đứa con đã
chết. Những sợi tóc tơ của nó dựng ngược lên.
- Khi em ngủ thì con chết... - Dasha vừa nói với Telegin vừa khóc - Anh
ơi tóc nó dựng ngược lên... Một mình nó vật vã đau đớn... Em thì ngủ.
Không có lời khuyên giải nào có thể làm cho nàng quên được cái cảnh
tượng thằng bé một mình vật lộn với thần chết".
Chi tiết ấy (những sợi tóc tơ của đứa bé dựng ngược lên), ngang giá với
rất nhiều trang giấy tả cái chết chính xác nhất.
Cả hai chi tiết đó đều rất đắt. Chỉ có cái chi tiết quyết định nổi toàn cục,
hơn nữa, nhất thiết phải có, mới là chi tiết.
Trong bản thảo của một nhà văn trẻ tôi đã vấp phải một đoạn đối thoại
như thế này:
- Chào cô ạ, cô Pasa! - Aleksey nói và bước vào (Trước đoạn này tác giả
nói rằng Aleksey lấy tay mở cửa phòng bà Pasa, như thể có thể lấy đầu mà
mở được).