Thực vậy, đó là một bức phong cảnh tuyệt đẹp mà họa sĩ đã nhìn qua
khung cửa sổ sâu thẳm mà vẽ. Một buổi chiều trắng phương Bắc với những
cây bạch dương mơn mởn ngủ yên và mặt nước trắng như thiếc trên một
con hồ nhỏ.
Ông làm việc vất vả. Người ta không coi ông ra gì. Ông làm việc trong
yên lặng, không quấy rầy ai. Nhưng dù cho viện bảo tàng của ông có không
mang lại nhiều lợi ích đi chăng nữa thì chẳng lẽ bản thân sự tồn tại của một
con người như thế lại không phải là tấm gương về lòng trung thành với sự
nghiệp, tính khiêm tốn và tình yêu quê hương, cho những người ở đây, nhất
là cho thanh niên, hay sao?
Mới đây tôi vừa tìm được danh sách những con người xuất chúng mà tôi
đã lập ra để viết cuốn sách nói trên. Danh sách ấy rất lớn. Tôi không thể
viết ra đây toàn bộ. Vì thế tôi chỉ chọn hú họa lấy một số nhà văn.
Bên cạnh tên mỗi nhà văn tôi viết những ghi chép ngắn ngủi và lộn xộn
về những cảm giác của tôi, chúng gắn với nhà văn này hay nhà văn khác.
Để cho rõ hơn tôi xin dẫn ra dưới đây một vài đoạn ghi chép ấy. Tôi đã
xếp chúng lại cho gọn và mở rộng thêm.
chekhov
[1]
Trong văn học, những cuốn sổ tay của Chekhov tồn tại độc lập như một
thể văn đặc biệt. Ông rất ít dùng sổ tay trong việc viết văn.
Sổ tay của Ilf, Alphonse Daudet, nhật ký của Lev Tolstoy, anh em
Goncourt, nhà văn Pháp Renard và rất nhiều ghi chép của các nhà văn, nhà
thơ khác cũng tồn tại như một thể đặc biệt như thế.