Bà nói chuyện ấy đơn giản, như thể Chekhov còn sống, ông mới ở đây
và chỉ đi đâu đó ít lâu, tới Moskva hoặc Nitza.
Tôi hái một đóa trà hoa trong vườn Chekhov, tặng em gái bé cùng đi với
chúng tôi tới nhà bà Marya Pavlovna. Nhưng cô "Trà hoa nữ" vô tư kia đã
đánh rơi mất bông hoa từ trên cầu xuống suối Uchanzu và bông hoa trôi ra
Hắc Hải. Không thể nào giận em bé cho được, nhất là trong một ngày tưởng
chừng có thể gặp Chekhov ở mọi lối ngoặt trong các phố. Và ông sẽ khó
chịu đấy khi nghe người ta mắng mỏ đứa cháu gái bé bỏng có đôi mắt nâu
kia chỉ vì chuyện không đâu, chỉ vì nó đánh mất một bông hoa ngắt trong
vườn ông.
Aleksandr blok
Blok có một bài thơ đầu tay ít người biết đến: "Đêm Ấm Áp Trùm Lên
Hải Đảo".
Trong bài thơ ấy có một câu kéo dài và dịu dàng, nó gợi lên trong trí ta
cả cái đẹp đẽ của tuổi thanh xuân mờ ảo: "Mùa xuân mơ ước xa xôi của
mình... ".
Đó không phải là những từ thường. Đó là ánh hào quang. Hào quang đó
tạo ra toàn bộ con người Blok.
Lần nào đến Leningrađ tôi cũng muốn được đi bộ (chỉ đi bộ chứ không
đi xe buýt hoặc xe điện) tới sông Briaska để nhìn thấy ngôi nhà nơi Blok đã
sống và ở đấy ông qua đời.
Một hôm tôi đi và bị lạc giữa những khu phố vắng vẻ và những nhánh
sông dài ngập bùn lầy và khi hỏi chẳng thấy nhà Blok đâu. Nhưng vô tình
tôi gặp trong một ngõ hẻm cỏ mọc dầy, một tấm bảng kỷ niệm ở một ngôi
nhà gạch đã bạc màu. Thì ra Đostoevsky đã ở ngôi nhà này.
Mãi gần đây tôi mới tìm ra ngôi nhà của Blok trên bờ sông Pryashka.