Và một con đường tiêu huyền ngả bóng
Như Mimi diễm kiều trong truyện của Murger
Victor Hugo đã gợi lên cho nhiều người trong chúng ta tình yêu đầu tiên
đối với Paris và chúng ta mang ơn ông vì điều đó. Nhất là những ai đã được
hạnh phúc nhìn thấy thành phố vĩ đại này.
mikhail prishvin
Nếu như thiên nhiên biết mang ơn con người đã đi sâu vào trong đời
sống của thiên nhiên, đã ca ngợi nó, thì người trước tiên xứng đáng được
hưởng sự biết ơn đó là Mikhail Prishvin.
Tên Mikhail Mikhailovich Prishvin là tên dùng trong thành phố, còn ở
những nơi mà Prishvin cảm thấy là nhà mình - trong những túp lều tranh
của những người tuần rừng, ở những bãi sông dằng dặc màn sương, dưới
những đám mây và những vì sao của bầu trời đồng nội nước Nga - người ta
gọi ông rất đơn giản là "Mikhalych". Và dĩ nhiên, người ta rầu lòng khi ông
biến mất trong những thành phố, nơi chỉ có loài én làm tổ dưới mái sắt là
nhắc ông nhớ đến "quê hương loài sếu" của ông.
Cuộc đời của Prishvin là một thí dụ về con người chối bỏ mọi cái do
hoàn cảnh áp đặt và chỉ sống "theo lệnh truyền của trái tim". Cách sống như
vậy có một ý nghĩa lành mạnh, vô cùng vĩ đại. Người sống "theo trái tim",
trong sự hòa hợp với thế giới bên trong của mình là người sáng tạo, là
người làm giàu cho cuộc sống và là nghệ sĩ.
Không hiểu nếu Prishvin vẫn là nhà nông học (nghề đầu tiên của ông)
thì trong đời ông, ông đã làm được những gì? Dù sao thì chưa chắc ông đã
phát hiện được cho hàng triệu người biết thiên nhiên Nga như một thế giới
thi ca tế nhị nhất và trong sáng nhất. Đơn giản là ông chẳng có đủ thì giờ để
làm chuyện đó. Thiên nhiên đòi hỏi con mắt chăm chú và hoạt động nội tâm
liên tục để tạo ra trong tâm hồn nhà văn một thứ "thế giới thứ hai" của thiên