"Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn trong sạch, và về sáng, băng đầu
mùa đã nằm xuống. Mọi vật đều xám, nhưng những vũng nước chưa đông.
Khi mặt trời lên, sưởi ấm cho muôn vật, thì sương đã ướt đầm cây cỏ,
những cành thông từ trong rừng tối ló ra như những đường thêu lóng lánh.
Tưởng chừng nếu có dùng tất cả kim cương của thế giới cũng chẳng đủ để
trang hoàng như vậy".
Trong đoạn văn thực là kim cương này mọi vật đều giản dị, chính xác và
đầy chất thơ bất tử.
Đọc những chữ trong đoạn ấy bạn sẽ phải đồng tình với Gorky khi ông
nói rằng Prishvin đã "cao tay tạo ra bằng những kết hợp mềm dẻo các từ
đơn giản làm cho mọi vật được ông miêu tả gần như có thể sờ mó được".
Nhưng như thế cũng chưa đủ. Ngôn ngữ của Prishvin là ngôn ngữ nhân
dân. Nó chỉ hình thành trong sự cọ sát chặt chẽ của người Nga với thiên
nhiên, trong lao động, trong tính cách dân dã giản dị và hiền minh.
Câu: "Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn, trong sạch" hoàn toàn truyền
đạt rõ ràng khoảng thời gian im lìm và hùng vĩ của đêm khuya đang trôi đi
trên đất nước ngủ yên. Và "băng đầu mùa nằm xuống", và "sương đã ướt
đầm cây cỏ" - tất cả những từ đó đều sinh động, đều nhân dân, không phải
nghe lỏm ở đâu mà có, hoặc rút ra từ sổ tay mà được, mà phải là của riêng
mình. Bởi vì Prishvin là người của nhân dân chứ không phải người quan sát
đứng ở bên ngoài mà nhìn nhân dân, coi nhân dân như chất liệu sáng tác.
Chuyện đó, tiếc thay, lại vẫn thường gặp ở các nhà văn.
Những nhà thực vật học có danh từ "tạp thảo" (raznotravie). Danh từ này
thường dùng để chỉ những cánh đồng cỏ ra hoa. Nó là sự ngẫu hợp của
hàng trăm thứ hoa tươi tắn khác nhau mọc đầy trên bờ những ao những hồ
liên tiếp bên những triền sông.