riêng, với cảnh quan duy nhất chỉ riêng Đupna mới có, với sinh hoạt của
những người dân ở hai bên bờ sông và với lịch sử.
Ở nước ta có những người vừa là nhà thơ vừa là nhà bác học như
Timiryazev, Kliuchevsky, Kaigorođov, Menzbir, Fersman, Obruchev,
Arsenyev, như nhà thực vật học Kozhevnikov, người đã viết một cuốn sách
rất mực khoa học đồng thời lại rất hấp dẫn về mùa xuân và mùa thu trong
đời sống thảo mộc.
Và ở nước ta đã có và hiện có những nhà văn biết đưa khoa học vào
truyện dài, tiểu thuyết của mình như một tố chất cần thiết bậc nhất của văn
xuôi thí dụ như Menikov-Pechersky, Arsakov, Gorky, Pinegin và những
người khác nữa.
Nhưng Prishvin chiếm một địa vị đặc biệt trong những nhà văn ấy.
Những hiểu biết rộng rãi của ông trong địa hạt nhân chủng học, sinh vật-khí
hậu học, thực vật học; động vật học, nông học, khí tượng học, sử học, điểu
loại học, địa lý học, văn học dân gian, địa phương học và những khoa học
khác nữa, đã trở thành bộ phận hữu cơ trong đời sống nhà văn của ông.
Nhưng chúng không nằm ì như một đống hàng chết. Những khoa học ấy
sống trong ông, chúng liên tục phong phú thêm nhờ kinh nghiệm của ông,
nhờ óc quan sát của ông, bởi cái đặc tính may mắn mà ông có là nhìn được
những hiện tượng khoa học trong biểu hiện thơ của chúng, trong những thí
dụ nhỏ hoặc lớn, nhưng đều bất ngờ như nhau.
Khi Prishvin viết về con người, hình như ông phải nheo mắt lại vì cái
nhìn sáng suốt của mình. Ông không chú ý đến cái ngoại lai. Ông say mê
những mơ ước trong lòng mỗi người, bất kể người đó là ai: sơn tràng, thợ
giày, thợ săn hay nhà bác học lừng danh.
Đưa cái mơ ước thầm kín của con người ra ngoài ánh sáng - đó chính là
nhiệm vụ của ông. Nhưng làm được việc đó rất khó. Không có gì bị con
người giấu kín bằng mơ ước. Có lẽ vì mơ ước không chịu nổi một sự chế