Rằng tim tôi nàng giữ nơi tay!...
Ông sẵn sàng ngâm thuộc lòng thơ của bất cứ thi sĩ nào. Trí nhớ của ông
thực kỳ lạ. Trong lúc ông ngâm, thậm chí những bài thơ quen thuộc cũng
nổi lên một âm điệu mới, ngân nga. Tôi chưa thấy ai có lối ngâm thơ như
thế, trước và sau Bagritzky.
Những âm chất của từng từ, từng khổ thơ bay bổng lên đến mức diễn đạt
đầy đủ, mệt mỏi và làm người nghe đau nhói nơi tim. Bất kỳ thơ của ai,
"Bài Ca Về John Hạt Đại Mạch" của Burns, "Dona Anna" của Blok hay là
"Vì Bến Bờ Tổ Quốc Xa Xôi" của Pushkin mà được Bagritzky ngâm, thì
khi nghe ta không thể không thấy nghẹn nơi cổ họng - điềm báo trước của
những giọt nước mắt.
Từ hải cảng chúng tôi ra chợ Hy Lạp. Ở chợ có một phòng trà. Cùng với
nước trà ở đây người ta bán đường hóa học, một mẩu bánh và phó mát cừu.
Từ sáng sớm chúng tôi chưa ăn gì.
Dạo ấy ở Ôđessa có một lão ăn mày. Lão làm cho cả thành phố khiếp
đảm vì lão không xin của bố thí theo cách những người hành khất khác
thường làm. Lão không hạ mình chìa bàn tay run rẩy ra và hát bằng giọng
mũi: "Lạy các ông các bà giàu lòng thương kẻ khó! Xin các ông các bà hãy
để mắt đến tấm thân tàn tật của già!".
Không! Ông lão vóc cao, râu bạc như cước, đôi mắt đỏ kéo màng nọ chỉ
đi xin ở các phòng trà. Chưa bước vào cửa lão đã lên giọng khàn khàn, ầm
ầm trút những câu chửi rủa lên đầu khách.
Trong Sấm truyền, nhà tiên tri tàn bạo nhất là Eremi, nổi tiếng bậc thầy
vô địch về môn nguyền rủa, cũng phải "ra không" trước lão ăn mày nọ, nói
theo cách người Ôđessa.
- Lương tâm các người để đâu cả rồi, hả? Các người là người hay không
còn là người nữa, hả?! - lão hành khất thét lên và lập tức tự trả lời câu hỏi