ông ạ - ông nói với vẻ lo lắng - hình như con người bắt đầu dày xéo và làm
kiệt quệ đất đai nhiều quá rồi đấy. Mà sắc đẹp của đất đai lại là một điều
thiêng liêng, một điều vĩ đại trong đời sống xã hội chúng ta. Nó là một
trong những mục đích cuối cùng của chúng ta. Không biết ông thế nào, chứ
tôi thì tôi tin chắc như vậy. Không hiểu được điều đó không phải là một
người cấp tiến.
Ban ngày tôi ngủ thiếp đi, nhưng ông bạn hàng xóm đã dựng tôi dậy.
- Xin ông đừng bực mình, - ông bối rối nói - nhưng ông dậy đi thì hơn.
Một bức tranh kỳ diệu đang mở ra: cơn giông tháng chín. Ông trông kìa!
Tôi trông ra ngoài cửa sổ tàu. Ở phía Nam một đám mây đen nặng nề và
cao, choán hết nửa bầu trời, đang nhô lên. Những ánh chớp co kéo, giật giật
nó.
- Mẹ ơi! - ông họa sĩ kêu lên - Biết bao nhiêu là màu là sắc! Không thể
nào vẽ nổi cái ánh sáng này, dù cho anh có là Levitan đi chăng nữa.
- Ánh sáng nào? - tôi cuống quýt hỏi.
- Trời ơi! - họa sĩ nói với vẻ tuyệt vọng - Ông nhìn đi đâu thế kia? Kia
kìa, ông thấy không, ở đó rừng tối đen và yên lặng, đó là do bóng mây trùm
lên nó. Còn kia, xa hơn một chút, trên rừng có những vết vàng bệch và hơi
xanh lục: đó là tại ánh sáng mặt trời bị mây cản. Còn ở đàng xa thì rừng
hoàn toàn phơi mình trong nắng. Ông thấy chưa? Cả khu rừng như đúc
bằng vàng mười. Và trong suốt. Một loại tường bằng vàng có hoa văn. Hay
là một chiếc khăn tay kéo dài suốt chân trời, chiếc khăn do những cô thợ
thêu bậc thầy trong vùng Tikhvin của chúng tôi thêu ở các xưởng làm đồ
kim tuyến. Bây giờ ông hãy trông gần đây, những dải thông kia kìa. Ông có
thấy cái ánh đồng thau lấp lánh trên những lá nhọn không? Đó là do bức
tường vàng của rừng mà có. Ánh sáng của bức tường vàng hắt lên những
ngọn thông. Ánh phản chiếu. Vẽ nó rất khó. Dễ làm nó thô đi lắm. Còn kia,