- Tôi cũng thế, chỉ nhớ được đôi chút thôi - ông buồn rầu nói - Tạnh
mưa, màu sắc sẽ đậm hơn. Ông biết không, nắng giỡn trên lá và thân cây.
Nói chung, ông hãy để ý nhìn ánh sáng vào một ngày ảm đạm trước cơn
mưa. Trước cơn mưa nó một khác, trong cơn mưa một khác, còn sau cơn
mưa thì lại hoàn toàn khác. Bởi vì lá ướt làm cho không khí có một ánh lấp
lánh yếu ớt. Cái ánh lấp lánh đó xám, mềm và ấm. Nói chung, nghiên cứu
màu sắc và ánh sáng là một khoái lạc, ông bạn thân mến của tôi ạ. Tôi thề
không đổi cái nghiệp họa sĩ của tôi lấy bất cứ một thứ gì khác.
Đêm, họa sĩ xuống ga xép. Tôi xuống sân ga chia tay với ông. Ngọn đèn
lồng dầu hỏa tỏa sáng. Phía trước, đầu máy thở nặng nhọc.
Tôi ghen với ông bạn họa sĩ và bực mình vì công việc bắt tôi phải đi tiếp
và không nán lại được lấy vài ngày ở phương Bắc. Ở đây mỗi cành thạch
thảo cũng có thể gợi lên đủ ý cho vài bài thơ bằng văn xuôi.
Không thể hiểu được vì sao mà trong đời mình, cũng như trong đời bất
cứ ai khác, tôi đã không tự cho phép tôi được sống theo tiếng gọi của trái
tim mình, mà lại đi bận bịu liên miên với những công việc tưởng chừng
không thể nào trì hoãn.
Đối với màu sắc và ánh sáng trong thiên nhiên chỉ quan sát chúng không
thôi thì chưa đủ. Cần phải sống bằng chúng. Trong nghệ thuật, chất liệu
dùng được chỉ có thể là chất liệu đã chiếm được chỗ trong tim.
Hội họa quan trọng đối với người viết văn xuôi không phải chỉ ở chỗ nó
giúp nhà văn nhìn thấy và yêu mến màu sắc, ánh sáng. Hội họa còn quan
trọng ở chỗ họa sĩ thường nhận thấy cái mà chúng ta không thấy. Chỉ sau
khi xem xong tranh của người vẽ chúng ta mới bắt đầu nhận ra cái đó và
ngạc nhiên không hiểu sao trước kia chúng ta lại không nhận ra.
Họa sĩ Pháp Monet đến London và vẽ tu viện Westminster. Monet vẽ
trong một ngày sương mù bình thường ở London. Trong bức tranh của