chỉ là chút ít niềm vui.
Chủ nghĩa ấn tượng là của chúng ta, cũng như tất cả những di sản giàu
có khác của quá khứ. Bỏ nó đi có nghĩa là ta tự đẩy ta đến chỗ hẹp hòi có ý
thức. Chúng ta không hề vứt bỏ "Đức Mẹ Sistin" của Raphael mặc dầu bức
tranh ấy đã được sáng tác theo đề tài tôn giáo. Chúng ta không ngu ngốc
đến nỗi không còn biết đâu là ranh giới giữa thiên tài của hội họa với tôn
giáo. Tôi không nghĩ rằng có thể có một người xô-viết nào đó vì ngợi khen
"Đức Mẹ Sistin" mà bỗng chốc trở thành con chiên của đạo Chúa. Cái vô lý
của ý nghĩ đó rất rõ. Tại sao chúng ta lại đi quan tâm nghiêm túc đến những
ý nghĩ tức cười khi vấn đề động chạm đến những nhà ấn tượng chủ nghĩa.
Picasso, người luôn nghĩ cách đổi mới, có gì nguy hiểm cho chúng ta? Và
những nhà ấn tượng chủ nghĩa Matisse, Van Gogh hoặc Gauguin? Tiện đây
cũng xin nói rằng Gauguin là người đã đứng vào cuộc đấu tranh chống
chính quyền thực dân Pháp vì nền độc lập của nhân dân Tahiti.
Chuyện đó có gì xấu và nguy hiểm? Những bộ óc đố kỵ hoặc cơ hội nào
dám nghĩ rằng cần phải sổ toẹt lớp họa sĩ xuất sắc và tài năng ra khỏi nền
văn hóa của nhân loại và nền văn hóa của chúng ta nói riêng?
Sau cuộc gặp gỡ trên tàu với ông bạn họa sĩ, tôi tới Leningrađ. Trước
mắt tôi lại mở ra cái quần thể trang trọng của những quảng trường và những
tòa nhà cân đối trong thành phố.
Tôi ngắm nghía chúng rất lâu, cố tìm ra điều bí mật trong kiến trúc của
chúng. Bí mật đó là ở chỗ những tòa nhà cho ta ấn tượng về cái hùng vĩ mà
trong thực tế chúng lại chẳng lấy gì làm lớn cho lắm. Một trong những công
trình tuyệt mỹ là nhà bộ Tổng tham mưu kéo một vòng cung đều đặn trước
điện Mùa Đông chiều cao không quá một tòa nhà bốn tầng. Thế mà nó còn
hùng vĩ hơn bất cứ tòa nhà chọc trời nào ở Moskva.
Lời giải câu đố rất đơn giản. Cái hùng vĩ của những tòa nhà sở dĩ mà có
là do sự cân xứng, những tỷ lệ ăn nhịp với nhau và một số nhỏ vật trang