trưng bày tượng.
Tôi ngồi ở đó rất lâu. Và càng nhìn những bức tượng của những nhà nặn
tượng vô danh Hy Lạp hoặc tượng những người đàn bà tủm tỉm cười của
Canova tôi càng hiểu rõ thêm rằng tất cả những tác phẩm điêu khắc nọ
chính là lời kêu gọi con người đi tới cái tuyệt mỹ và nó là điềm báo trước
buổi bình minh trong sáng nhất của nhân loại. Lúc đó thi ca sẽ ngự trị trên
những trái tim, và chế độ xã hội - chế độ mà chúng ta đang vượt qua những
năm lao động, lo lắng và căng thẳng trong tâm hồn để đi tới - sẽ được xây
dựng trên cái đẹp của chính nghĩa, cái đẹp của trí tuệ và trái tim, của những
quan hệ giữa người với người và của thân thể con người.
Đường ta đi sẽ dẫn tới một thời đại hoàng kim. Thời đại đó sẽ đến. Tất
nhiên, đáng giận là chúng ta không được sống đến ngày ấy. Nhưng chúng ta
phải cảm thấy hạnh phúc khi ngọn gió thời đại đó đã reo vang quanh ta và
bắt tim ta đập mạnh thêm.
Chả thế mà Heine đã tới viện bảo tàng Le Louvre ngồi hàng giờ bên
tượng thần Vệ nữ ở Milos mà khóc.
Ông khóc gì? Khóc cho cái toàn thiện toàn mỹ của con người bị nhục
mạ. Khóc vì con đường đi tới cái toàn thiện toàn mỹ ấy thật là cực nhọc và
xa lắc đối với cả ông, với Heine, người đã hiến cho mọi người chất độc và
ánh sáng của trí óc mình, người đã không thể đi tới - tất nhiên - miền đất
hứa mà trái tim sôi nổi suốt đời vẫy gọi ông tới đó.
Sức mạnh của nghệ thuật điêu khắc là ở chỗ đó, cái sức mạnh mà nếu
thiếu hơi ấm bên trong của nó thì không thể có nghệ thuật tiên tiến, nhất là
nghệ thuật của đất nước chúng ta. Cũng như vậy, không thể có một nền văn
xuôi vững chắc.
Trước khi nói đến ảnh hưởng của thi ca đối với văn xuôi, tôi muốn nói
vài lời về âm nhạc, hơn nữa âm nhạc và thi ca thường gắn kết chặt chẽ với