Thi ca có một đặc tính kỳ lạ. Nó trả lại cho chữ cái tươi mát trinh bạch
ban đầu. Những từ tơi tả nhất mà chúng ta đã "nói cạn" đến cùng đã mất
sạch tính hình tượng đối với ta, chi còn lại một cái vỏ, những từ ấy trong thi
ca lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương!
Giải thích cái đó ra sao, tôi không biết. Tôi cho rằng từ tái sinh trong hai
trường hợp.
Một là, khi nào người ta trả lại cho nó sức mạnh ngữ âm (âm thanh). Mà
làm việc đó trong thi ca thì dễ hơn trong văn xuôi nhiều. Vì thế trong bài
hát và trong tình ca các từ tác động đến chúng ta mạnh hơn trong lời nói
thường.
Hai là, cả đến những từ đã tơi tả, nếu được đặt vào đội ngũ âm nhạc êm
ái trong một bài thơ thì hình như nó được no nê âm điệu du dương của câu
thơ và bắt đầu vang vang trong sự hài hòa cùng với những từ khác.
Và cuối cùng là thi ca phong phú phép điệp vận. Đó là một trong những
tính chất quý báu của nó. Văn xuôi cũng được quyền có điệp vận.
Nhưng cái chính không phải ở chỗ đó.
Cái chính là ở chỗ khi văn xuôi đạt tới mức toàn thiện toàn mỹ thì về
bản chất nó đã là thơ đích thực rồi.
Chekhov cho rằng truyện "Taman" của Lermontov và "Con gái viên đại
úy" của Pushkin chứng minh mối liên lạc máu mủ giữa văn xuôi với thơ
Nga đầy nhựa sống.
Prishvin đã có lần viết về mình (trong một bức thư riêng) rằng ông là
"nhà thơ bị đóng đanh trên cây thập tự của văn xuôi".
Lev Tolstoy viết: "Tôi không bao giờ hiểu đâu là ranh giới giữa văn và
thơ". Ông đặt ra câu hỏi sau với sự nóng nảy hiếm có ở ông trong "Nhật Ký