nhau.
Đề tài cuộc nói chuyện ngắn ngủi về âm nhạc buộc phải giới hạn trong
cái mà chúng ta gọi là tiết tấu và nhạc tính của văn xuôi.
Trong văn xuôi chân chính bao giờ cũng có tiết tấu của nó.
Trước hết tiết tấu của văn xuôi đòi hỏi sự sắp đặt các từ sao cho người
đọc có thể tiếp nhận câu văn nhẹ nhàng, không căng thẳng, tiếp nhận được
ngay tức khắc. Chekhov đã nói về điều đó khi viết thư cho Gorky "Văn phải
được xếp gọn (vào trong ý thức người đọc) ngay lập tức, trong một giây".
Không thể để cho người đọc phải ngừng lại trên tác phẩm để khôi phục
sự chuyển động của các từ, sự chuyển động thích ứng với tính chất đoạn
này hay đoạn khác trong văn.
Nói chung nhà văn cần phải giữ người đọc trong tình trạng chú ý không
rời, dẫn người đọc theo mình và không được để trong văn bài của mình còn
có những chỗ tối nghĩa và lủng củng làm cho người đọc vì vấp phải những
chỗ đó mà vượt ra ngoài quyền lực của nhà văn.
Nhiệm vụ của nhà văn và tác dụng của văn xuôi là ở chỗ giữ được người
đọc trong tình trạng chú ý không rời ấy, lôi cuốn người đọc, sao cho người
đọc cảm nghĩ giống nhà văn, cùng với nhà văn.
Tôi nghĩ rằng không bao giờ tiết tấu của văn xuôi lại có thể đạt được
bằng con đường nhân tạo. Tiết tấu của văn xuôi phụ thuộc vào tài năng, vào
cảm năng ngôn ngữ, vào "thính giác tốt của nhà văn". Cái thính giác tốt ấy
trong một mức độ nào đó là cái rất gần với tai nhạc.
Nhưng cái làm cho ngôn ngữ của người viết văn xuôi phong phú nhiều
hơn hết là sự hiểu biết thi ca.