Khi tôi được biết về hàng chữ ấy, tôi cảm thấy nó cũng buồn thảm như
hết thảy các mộ chí. Nhưng anh bạn nhà văn Latvya, người kể cho tôi nghe
chuyện tảng phiêu nham đó, không đồng ý với tôi. Anh nói:
- Trái lại. Đó là một hàng chữ dũng mãnh. Nó nói rằng con người không
bao giờ chịu hàng phục và bất chấp tất cả, nó vẫn cứ tiếp tục công việc của
mình. Tôi muốn đặt hàng chữ ấy như một đề từ cho bất cứ cuốn sách nào
nói về lao động và sự bền bỉ của con người. Đối với tôi hàng chữ ấy có
nghĩa đại khái như sau: "Để tưởng niệm những ai đã thắng và sẽ thắng biển
này.
Tôi đồng ý với anh bạn và nghĩ rằng đề từ ấy có lẽ cũng thích hợp cho
cả cuốn sách bàn về lao động của nhà văn.
Nhà văn không thể hàng phục, dù chỉ trong giây lát, trước những dập vùi
và không thể lùi bước trước trở ngại. Dù có thế nào đi chăng nữa, nhà văn
cũng không được ngừng công việc của mình, công việc do những bậc tiền
bối để lại và được người đương thời ủy thác. Chả thế mà Saltưkov Shedrin
đã nói rằng nếu như văn học chỉ im tiếng trong một phút thôi, thì điều đó
cũng chẳng kém gì cái chết của cả một dân tộc.
Nghề văn không phải là một nghề thủ công và cũng không phải là một
thứ công việc. Nghề văn là sứ mệnh. Đi sâu vào một số từ, vào cội nguồn
âm hưởng của chúng, ta sẽ bắt gặp nghĩa ban đầu của chúng. Từ "sứ mệnh"
có chung một gốc với từ "tiếng gọi"
[1].
Không ai hô hào con người đi làm chuyện vặt. Người ta chỉ kêu gọi con
người làm tròn bổn phận và thực hiện những nhiệm vụ khó khăn.
Vậy thì cái gì thôi thúc nhà văn đến với cái lao động tuyệt mỹ nhưng đôi
khi cay cực kia?