Trước tiên là tiếng gọi của trái tim. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin
ở tương lai không cho phép nhà văn đích thực sống trên trái đất như một
bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho đồng lọai tất cả cái phong
phú của tư tưởng và tình cảm đang tràn ngập chính tâm hồn nhà văn.
Nếu anh không làm cho nhãn quan của con người tinh tường thêm, dù
chỉ là một phút, anh không phải là nhà văn.
Con người trở thành nhà văn không phải chỉ do tiếng gọi của trái tim.
Chúng ta nghe tiếng gọi của trái tim nhiều hơn hết vào lúc thiếu thời, khi
chưa có gì lấn át và đập nát thế giới tình cảm tươi mát của chúng ta.
Nhưng rồi tuổi trưởng thành đến và ngòai tiếng gọi của trái tim ta, ta còn
nghe rành rọt một tiếng gọi mạnh mẽ khác: tiếng gọi của thời đại ta đang
sống và của nhân dân ta, của nhân lọai.
Theo lệnh truyền của sứ mệnh, do sự thôi thúc tự bản thân, con người có
thể làm nên những điều kỳ diệu và có thể chịu đựng những thử thách gay go
nhất.
Số mệnh của nhà văn Hà Lan Eduard Dekker
[2]
là một trong những dẫn chứng về điều đó. Ông ký dưới bút hiệu
"Multatuli". Theo tiếng la-tinh tên đó có nghĩa là "Người chịu nhiều đau
khổ".
Có thể là chính ở đây, trên bờ biển Baltic u tối, tôi đã nghĩ đến Dekker,
bởi vì cũng một biển phương Bắc nhợt nhạt như thế bao quanh tổ quốc Hà
Lan của ông. Ông đau đớn và hổ thẹn nói về đất nước mình: "Tôi là đứa
con của Hà Lan, đứa con của xứ sở những tên ăn cướp nằm giữa Frisian
Islands và Scotland."