Tôi đáp tàu đi Saratov, rồi từ đó xuôi sông Volga tới Astrakhan. Đến đấy
thì tôi bị kẹt, phải nằm lại. Số tiền ít ỏi của tôi đã hết và để có tiền đi tiếp, ở
Astrakhan tôi phải viết mấy bút ký cho tạp chí "Ba Mươi Ngày" và một tờ
nhật báo của của thành phố.
Để có chất liệu viết những bài bút ký đó tôi đi vào thảo nguyên
Astrakhan và tới sông Emba. Những chuyến đi đó đã giúp tôi viết cuốn
sách về Kara-Bugaz.
Tôi đi bằng đường biển Kaspy dọc theo những bờ rậm rịt những dải
rộng lau sậy để tới Emba. Con tàu cũ kỹ chạy guồng mang một cái tên lạ:
"Heliotrop". Giống như mọi tàu thủy cũ, trên tàu có rất nhiều đồng đỏ. Tay
vịn, địa bàn, ống nhòm, mọi thứ máy móc, cả đến bậc cửa cao của các ca-
bin, đều bằng đồng. Tàu "Heliotrop" trông như một ấm samovar bụng phệ
được đánh bằng gạch non đến bóng loáng, đang bốc khói và bập bềnh trên
những đợt sóng thấp của một biển cạn.
Những con hải báo nằm ngửa trong nước ấm như người đi tắm biển.
Thỉnh thoảng chúng lười biếng ve vẩy những cái chân bơi béo mập.
Trên những bến nổi của vạn chài, những cô gái răng trắng mặc quần áo
xanh thủy thủ huýt sáo và tươi cười nhìn theo tàu "Heliotrop", má cô nào cô
ấy đầy vẩy cá.
Những đám mây trắng và những dải cát trắng soi mình trong làn nước
phẳng lì bóng loáng, lắm lúc không phân biệt nổi đâu là trời mây, đâu là đảo
nữa.
Khói nhẹ và mỏng từ chất đốt bằng phân gia súc đóng bánh lượn lờ trên
thị trấn Guriev. Tôi đi Emba trên chuyến tàu chạy bằng động cơ vừa mới
bắt đầu hoạt động, qua một thảo nguyên khô cằn.
Ở thị trấn Dossor bên sông Emba, những tháp dầu thở phì phò giữa
những hồ nước hồng tươi phảng phất mùi nước dưa. Cửa sổ các nhà đều