cuộc đời trong phạm vi trái đất. Trong nỗi niềm thơ ngây khủng khiếp và thống
thiết của mình, ông ta đinh ninh con người có thể vĩ đại, tuổi tác và hoạn nạn
cũng không làm ông ta xa rời tư tưởng thơ ngây ấy. Tuổi thanh xuân, hay nói
đúng hơn, tuổi tráng niên diệu kỳ của Napôlêông kéo dài suốt đời ông ta vì
ngày tháng cuộc đời ông ta không bổ sung cho nhau để tạo nên một độ chín
muồi về tiềm thức. Đó là trạng thái diệu kỳ của những con người hành động.
Họ sống hết mình trong mỗi phút giây của cuộc sống, và tài trí của họ tập trung
vào một điểm. Họ luôn luôn tự đổi mới mình, chứ không bao giờ giữ nguyên
trạng qua ngày tháng. Những giờ phút cuộc đời họ không hề nối tiếp nhau
bằng sợi dây những sự suy tưởng nghiêm trang và vô tư. Họ không tiếp tục
sống mà là tự nối tiếp mình trong một chuỗi hành động. Bởi vậy họ không có
đời sống nội tâm. Sự khiếm khuyết ấy đặc biệt rõ rệt ở Napôlêông: ông ta
không bao giờ có cuộc sống nội tâm. Đó chính là cội nguồn của tính cách nông
nỗi khiến ông ta dễ dàng chịu đựng sức nặng ghê gớm của những nỗi đau và
những lỗi lầm của mình. Mỗi buổi sáng, tâm hồn luôn luôn mới mẻ của ông ta
lại hồi sinh. Hơn ai hết, ông ta có khả năng vui đùa. Lần đầu tiên nhìn thấy mặt
trời mọc trên đảo Xanh-Hêlen ảm đạm, ông ta nhảy xuống giường và huýt sáo
một điệu tình ca. Ông ta có cái thanh bình của một tâm hồn đứng cao hơn số
mệnh, và chủ yếu là cái thanh thoát của bộ óc nhanh chóng hồi sinh. Ông ta
sống cuộc sống ngoại hình.
Không ưa lối suy nghĩ và nói năng tinh xảo, Garanh muốn sớm kết luận:
- Tóm lại, – ông ta nói – có một quái vật trong con người ấy.
- Làm gì có quái vật. – Pôn Venx đáp – Và những ai bị coi là quái vật đều
làm người ta ghê tởm. Còn Napôlêông thì được cả một dân tộc mến mộ. Đi tới
đâu được người ta yêu mến tới đó, chính là sức mạnh của ông ta. Niềm vui của
binh sĩ là được chết vì ông ta
Bà Mactanh muốn nghe ý kiến Mơsactrơ. Nhưng anh không muốn nói, vẻ
khiếp hãi.