- Ðến ở chứ! Nhưng được một tuần thì có tin mẹ của bà vợ chết ở Nha
Trang. Hai vợ chồng và đứa con về đưa đám rồi không thấy quay lại nữa.
- Trước ông chủ thầu đó là ai?
- Một ông làm đồ nhôm để làm xưởng chế nồi, soong, chảo… Có hai
người nữa công ty với ông ta; giấy tờ xong xuôi cả rồi, chỉ còn đem ra bỏ
ngân hàng thì lại lôi thôi thể thức làm ăn sao đó. Công ty tan vỡ, rút cuộc
tiền mướn chưa trả hết mà đồ đạc để lại chỉ có dăm ba cái bàn cái ghế đem
bán chưa chắc được vài trăm đồng bạc.
“Nhà gì kỳ lạ. Hay là tại đất dữ nên không ở được chăng?”. Tôi ngỏ lời
muốn người gác cho tôi vào coi thử trong nhà ra sao.
Ba căn nhà hai tầng này trông bề ngoài cùng xây một kiểu, nhưng
không có cái nào ăn thông với cái nào. Ai muốn ở rộng rãi có thể đục tường
ra cho ba nhà thông nhau, nhưng gia đình nào ít người, muốn mướn một
căn để ở vẫn cứ được, mà không lẽ gì bị mất tự do. Tôi vào xem căn thứ
nhất. Theo lời người gác già, cả ba căn nhà này kiến trúc giống nhau, cứ
ngã giá với nhau đi rồi căn nhà nào cũng được. Xem một căn là đủ.
Mỗi căn rộng chừng bảy tám chục thước vuông, cửa ngõ chắc chắn,
gạch hoa, nhưng tường vách cũng như sàn gạch đầy những bụi bậm.
Ðồ đạc có sẵn cho người mướn: ở dưới nhà có sa-lông, tủ rượu, một cái
đi văng trải đệm, còn trên gác thì có một tủ áo, hai cái “giường một”, và
một bàn lớn để viết lách cũng được luôn. Tường ở trên gác cũng như dưới
nhà, không được sạch, có một vài chỗ lở cả vôi. Ðây đó dán một cái hình
màu cắt ở báo Tây ra, vẽ những con chim con rùa. Sàn gác bằng gỗ thông,
trải cao su, nhưng đi ở trên vẫn có chỗ kêu cót két một cách khả nghi. Trên
trần treo một ngọn đèn ống có hộp ni lông xanh bao phủ, còn ở góc trái thì
có một bàn thờ, dưới là một cái xích đông bộn bề báo cũ sách cũ và tranh
ảnh. Tổng quát thì căn nhà này có một vẻ kỳ lạ, không có sinh khí mấy mà
lại cũ kỹ, không thích hợp thời trang chút nào, nhưng không hiểu tại sao tôi
lại thấy ưa.