Sợ rằng cứ nằm bề bệt như thế thì đau mất, tôi ngồi dậy bật cái đèn đêm
ở đầu giường, đi thong thả ra cửa sổ ngồi nhìn xuống mấy cái mái nhà tôn ở
sau vườn.
Hoa y lăng bây giờ trổ bông nhiều hơn; về đêm hương thơm tiết ra ngào
ngạt cả không khí làm cho tôi buồn thê thiết trong lòng. Ấy là lúc tôi nhớ
đến vợ con ở Bắc trước đây, vẫn dắt nhau đi chơi thong thả trên những con
đường ngào ngạt hương thơm như thế này. Tôi hèn lắm, ông Ômya ạ. Tôi
hèn vì tôi buồn hết sức là buồn và tôi ngồi ôm mặt khóc như đứa trẻ. Tất cả
cuộc đời dĩ vãng của tôi hiện ra. Tôi nhớ lại từng li từng tí những sự việc
tưởng đâu như đã chết không còn bao giờ quay trở lại; tôi tự hỏi không biết
vợ con bây giờ no đói như thế nào, sống chết ra sao và tôi cố vẽ lại trong óc
những đường lối đi về ngày trước, căn nhà Pháp Vân, vợ chồng con cái, cứ
chiều thứ Bảy thì về đó nghỉ ngơi, có khi hợp nhau lại cầu cơ và xin thơ
giáng bút.
Vào khoảng nửa đêm, gió thổi mạnh, kêu vù vù như gió mây ở Bắc. Lá
cây y lăng đập vào nhau rào rào. Dưới bóng mờ của ngọn đèn đêm, tôi lấy
một tờ giấy và cây viết ra định làm một bài thơ “Nhớ Nhà” nhưng nghĩ mãi
không ra tứ lạ, tôi tiện có giấy bút đây vẽ bậy một hình đàn bà, vừa vẽ vừa
ngâm lớn mấy câu thơ cũ:
Vạn Lí bi tha thuồng tác khách
Bách nhiên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đỏa tân đình ngọc tử bôi.
Muôn dặn thương thu, làm khách trọ
Trăm năm nhiều bệnh, dạo dài chơi
Sương in mái tóc đầy gian khổ
Nghiên ngã ngừng nâng chén rượu ôi.
(Bản dịch của Trần Ngọc San)
Bốn bề im lặng. Ngọn đèn để đêm cháy mù mù như một con mắt chột
kèm nhèm. Ðặt bút xuống nhìn hình người đàn bà vừa nguệch ngoạc xong,