Âu Châu có thể sản xuất được; đầu tư vào đồ cổ “ăn chắc” nhất mà lại lời
vô kể.
Từ khi tôi được quen biết ông ta, riêng tôi, đã thấy ông sắm được nhiều
cổ đồng hoen rỉ, điếu sứ lạc tinh mòn lỳ, nhiều độc bình, chóe toàn bích da
rạm đậm nét lạ lùng, nhiều ngoạn ngọc ký Càn Long, Gia Khánh cùng tô
đĩa, chén trà cái thì vẽ cành mai, nhành trúc, cái thì vẽ khúc sông con đò
điểm những bài thơ ngũ ngôn bát cú… Vậy mà không hiểu ông cất đâu hết
cả. Bằng chứng là đến phòng ông ở, tôi chẳng thấy gì hết. Hỏi thì ông bảo
đem về nhà ở miền Trung, trong dãy Trường Sơn.
Vâng, sau ngày đánh nhau với hai cái bóng trắng ở nhà tôi, ông Tôkubê
bẵng đi gần tuần lễ không lại nữa.
Vào lúc không ngờ nhất, một buổi sáng kia ông tự nhiên lại đến tìm tôi.
Tôi cảm thấy tinh thần ông vẫn chưa trở lại bình thường. Ông nói nhiều câu
khó hiểu. Thỉnh thoảng, nhân một hai câu chuyện không đâu, ông gắt gỏng
với tôi. Lạ nhất là thỉnh thoảng ông lại nói một mình: “Tra khảo! Tra khảo!
Tao lì lắm, chớ có trêu vào mà chết!”.
Vừa nói, ông vừa nắm tay lại, tỏ ra hung mạnh và can đảm. Nhưng tôi
thì nghĩ ngay đến những đứa trẻ sợ ma, đứng ở trong nhà nhìn ra trời tối ở
bên ngoài mà la hét, làm ra cái bộ “ta đây không sợ” nhưng chính ra là sợ
quá, sở dĩ la hét như thế chỉ để tự mình đánh lừa mình mà thôi.
Thấy ông Tôkubê hành động như vậy, tôi càng ngạc nhiên hết sức. Một
trăm một nghàn lần, tôi tự hỏi không biết ông Tôkubê có chuyện gì với Mệ
Hoát và Phương Thảo mà từ hai hôm bên đụng nhau thì ông Tôkubê tự
nhiên lại thay đổi khác hẳn đi như thế.
Người ta vẫn thường nói, những người gặp ma dữ mà hợp nó, ma nó
làm. Hay là trường hợp của ông Tôkubê là thế chăng? Tôi tự nghĩ thầm như
thế và chính vì thế có nhiều đêm tôi thao thức không ngủ được. Kết cục, tôi
vẫn hoàn toàn chưa được hiểu biết gì về vụ Tôkubê, chưa hé thấy một ức
đoán nào đáng để ý thì đã đến ngày ăn tân gia, tôi sửa lễ thiết lập hai bàn
thờ tiền chủ và thổ địa.