văn, ký giả có tên tuổi, hoặc những người am hiểu thời cuộc, thông thạo tin
tức, hoặc những người có bà con thân thuộc còn ở xa chưa về… để điều
đình nhằm tìm một giải pháp kết thúc chiến tranh.
Điều đình thế nào? Bằng tiền, nhưng có thể khôn khéo hơn một chút là
hợp tác bằng cách một bên có công, một bên có của, để làm thương mãi như
buôn sắt vụn, khai thác cát trắng ở Nha Trang, Cam Ranh hay mướn đất ở
thôn quê trồng chuối già xuất cảng.
Tất cả các dịch vụ đó chứng tỏ rằng họ rất tốt với người Việt nhưng
riêng tôi thì “arigatô”, cảm ơn lắm lắm mà không dám.
Không phải tôi sợ họ. Không. Cái thần tượng mà tôi đặt ở nơi người
Nhật lúc Thế Chiến Thứ Nhì chưa xảy ra vẫn nguyên vẹn, nhưng tôi không
muốn dính tới họ vì lẽ tôi không muốn dính… Thế thôi… .
Tôi chờ ông Ômya ngỏ lời là từ chối tức khắc, không một, hai gì hết.
Nhưng sau khi uống nước, hút thuốc và nghe câu chuyện của ông Ômya
trình bày thì việc lại hoàn toàn khác hẳn. Quả là không ai đoán trước được
đối tượng câu chuyện của ông. Ômya đến tìm tôi không phải vì chính trị,
không phải vì thương mãi, nhưng vì chuyện một người Nhật khác tên là
Tôkubê.
- À, đến cái đó thì tôi nói thật là tôi chịu. Từ thưở cha sanh mẹ đẻ, tôi
không hề biết một người Nhật nào tên thế. Quả là ông lầm địa chỉ rồi.
Ông Ômya cười khẽ, một lát sau mới nói:
- Rất có thể. Nhưng trước khi đi thẳng vào vấn đề, tôi xin một điều: gạt
bỏ hết thành kiến giữa người Việt và người Nhật, gạt bỏ hết thành kiến cho
rằng một số người Nhật ở đây, lúc này, làm mật vụ dưới chiêu bài dân chủ
tự do, mà coi tôi như là người lương thiện như hết thảy các người lương
thiện khác.
- Ông khỏi lo chuyện đó. Bao giờ tôi cũng coi người da vàng là anh em,
mà không những thế, tất cả mọi người đều là anh em nếu họ không hại đất
nước tôi, không đầu tư mấy chữ tự do dân chủ để thôn tính đất nước tôi.