Chương Hai Mươi
"Nhiều khi con tim và khối óc của chính mình lại là thù địch của mình".
Tôkubê có nhiều lúc đã nghĩ thầm như thế và cũng có nhiều lúc cảm thấy
nhục nhã không chịu được. Anh ta đã định vào ngôi chùa Kurôđani ở Kyoto
thí phát đi tu và ăn năn sám hối những tội lỗi trước đây mình gây ra, đồng
thời suy ngẫm và cải tâm cải tánh để trở lại làm một người khiêm nhường,
hiếu hòa hơn.
Nhưng trục Phát xít Đức, Ý, Nhật thành lập, chiến tranh bùng nổ, nhiều
ý niệm tốt đẹp, nhiều tư tưởng rộng rãi của người ta đang hình thành không
thể nào thực hiện được như ý muốn.
Các nhà lãnh đạo, vì quyền lợi riêng tư, vì muốn thực hiện tư tưởng làm
bá chủ, mà cũng có khi vì mù quáng, chạy theo sự sai khiến của ngoại nhân,
kêu gọi dân chúng lao mình vào thù oán và giết chóc. Sự hăng say do máu
gây ra làm cho óc người ta cằn cỗi lại, con mắt của người ta mù lòa đi,
không còn phân biết đâu là thiện ác, đâu là trái phải, đâu là thù và đâu là
bạn... Tôkubê sung vào cơ quan mật vụ của quân đội Nhật sang chiếm đóng
Đông Dương; thế là bao nhiêu tư tưởng tốt đẹp nuôi dưỡng trong đầu óc
bỗng tiêu tan hết ra mây khói.
Anh không còn phải là "con beo gấm" nữa nhưng đúng là một tên đồ tể
tham tàn độc ác, trông vào bất cứ ai cũng thấy là Átmuri ngày trước. Câu
anh ta thường nói ngày trước, một dạo đã quên đi, bây giờ lại trở lại với
anh: "Người ta không sống được bao nhiêu lâu, nhưng tên tuổi thì lưu
truyền mãi, hết đời nọ đến đời kia".
Ở vào thời buổi chiến tranh, giết không thể nào hết được những người
nuôi tư tưởng cho rằng muốn cho tên tuổi được lưu truyền mãi mãi thì nếu
không có được những hành vi lớn lao cao đẹp thì ít ra những hành động gì
dữ dằn, độc ác cũng có thể làm cho thiên hạ nhớ đời. Tôkubê lấy hai chữ "ái