Vở diễn càng gần đến phần Tiết Cương xuất hiện, sự hồi hộp trong người
xem càng tăng. Đào Tấn thấy hàng trăm con mắt ở các phía nhìn mình. Vai
Tiết An quan trấn thủ địa phương ra sân khấu. Tiếng trống chầu chào của
Vua điểm, Đào Tấn gần như nín thở. Quan khách đều ngẩng đầu cao lên.
Vua Thành Thái đang ngồi tự tại, Trương Như Cương tựa tay lên thành ghế,
đỡ lấy cằm, đầu xáp gần phía Vua. Từ sau màn, tên lính chạy ra sân khấu,
một chân co, một chân quỳ, chắp tay bẩm báo giọng hơi run:
- Cấp báo... cấp báo có tên Cương về phá thiết khâu phân.
Quan trấn thủ cũng hơi run:
- Thằng Cương nào?
- Dạ bẩm! Một thằng Cương đó đã làm khổ thiên hạ. Quan còn muốn có
mấy thằng Cương nữa?
Vua Thành Thái gõ vào tang trống ba dùi "cắc, cắc, cắc!" Trương Như
Cương nhấc đầu ra khỏi bàn tay hắn và ngồi ngây người, mặt thẳng cán tàn.
Quan khách càng bồi hồi. Đào Tấn cảm thấy như hàng trăm mũi gai châm
khắp người. Ba tiếng "cắc" là biểu thị của Vua nghe chưa thật rõ. Phải hát
lại. Anh kép sắm vai lính đã mạnh dạn hơn lên, rống to:
- Cấp... báo... cấp... báo... có tên... Cương... về... phá... thiết khâu phần.
- Thằng... Cương... nào?
- Dạ... bẩm...một... thằng... Cương... Cương... đó... đã... làm... khổ...
thiên... hạ... Quan... còn... muốn... có... mấy... thằng... Cương... nữa!
Quan khách, kép hát, tác giả nén hơi thở căng bỏng! Trương Như Cương
run bần bật, toàn thân như con vật thui trên lửa. Vua Thành Thái nâng dùi
trống lên nhìn chếch sang Trương Như Cương đánh liền ba tiếng chầu khen
ngợi! Tiếng cười tán thưởng và hả dạ đổ rào rào như trận mưa giông đầu
xuân.
- Tài tình lắm! Thành Thái tài tình lắm! - Phan Bội Châu giọng sang
khoái, vừa nói vừa nâng chén rượu ngang mày - chúng ta cạn chén rượu
nầy mừng thầy tuồng Đào Tấn và các đào kép gánh hát của cụ. Chúng ta tỏ
lòng kính bái một hành chỉ cao thượng của Đức vua Thành Thái!