số phận Đào Tấn trong chuyến về Kinh bệ kiến này! Đào Tấn cũng lo,
nhưng cụ lo lập ngôn tự ngã để giữ cho được kẻ sĩ trước uy vũ.
- Hay lắm - Phan Bội Châu nói - "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất
năng di, uy vũ bất năng khuất". Là kẻ sĩ thì phải làm như vậy!
Nguyễn Sinh Sắc tiếp:
- Các đào, kép trong gánh tuồng lo lắm. Nhưng họ cũng tin theo người
thầy tuồng của mình. Họ cùng cam kết: Thuyền đắm cùng cứu lấy thuyền
hoặc cùng chết theo thuyền. Cụ Đào Tấn và gánh tuồng của mình về Kinh
hôm trước, hôm sau quan Thị lang bộ Lễ đã báo ngày, giờ vào Duyệt Thị
Đường (nhà hát của Vua) diễn tuồng "Tiết Cương tế thiết khâu phần", vua
Thành Thái sẽ ngự lãm và các quan đại thần xem. Giờ khắc này vẫn còn có
một số bạn đồng liêu của quan Đào Tấn khuyên với cụ nên bỏ câu hỏi
"Thằng Cương nào?". Đào Tấn bình thản trả lời: "Tôi đã viết ra nhân vật,
tôi có bổn phận với nhân vật của tôi. Và, gánh hát của tôi đã diễn trước dân
chúng xem thế nào thì lại cũng diễn trước Vua như vậy".
Hai kép hát đóng vai quan trấn thủ địa phương và vai lính cấp bao có tên
Cương về "phá thiết khâu phần" sắp đến lúc diễn lại còn hỏi cụ Đào Tấn:
"Thưa thầy, chúng con vẫn cứ lôi thẳng "thằng Cương" ra trước mặt tên
Cương tại sân khấu cung đình ni chứ thầy?".
Đào Tấn cười, căn dặn họ: "Chúng ta là phận con hát, vì sự mua vui của
mọi người. Anh em cứ bình tâm làm trò xứng với vai trò của mình".
Nhà hát Duyệt Thị Đường quan khách ngồi kín chỗ theo thứ tự phẩm
tước. Vua Thành Thái ngự ngai, cầm roi chầu. Trương Như Cương ngồi
ghế bành voi bên cạnh Vua. Tác giả Đào Tấn ngồi hàng ghế phía sau, gần
cuối cùng. Không khí buổi diễn quá trang nghiêm càng gây sự hồi hộp,
thấp thỏm cho tác giả và các kép hát. Đây là lần đầu tiên cả thầy, cả trò
trong gánh hát tỉnh lẻ đặt chân lên cái sàn diễn trong cung cấm này. Tất cả
các quan trong triều ngồi xem đều nghe tiếng nội dung vở tuồng Tiết
Cương của Đào Tấn "có chuyện động trời" nên Vua Thành Thái đích thân
cầm roi chầu để "thưởng phạt"!