gả o Loan cho cậu nho Sắc. Nhiều người khen: Ông bà tú ăn ở nhân đức
hiếm có trên đời, đã đón một đứa con trai không cha không mẹ về cho ăn
học, lại gả luôn con gái quý cho nữa... Cũng không ít người dị nghị: Nho
Sắc dẫu có là người trong rừng Nho, bể Thánh thì cũng không phải là môn
đăng hộ đối với nhà ông tú Hoàng Xuân Đường. Còn các bạn gái thì đón
đường để trêu mình: Anh nho Sắc hay chữ, đẹp trai, nên mi xúy phần sớm
kẻo người khác vồ mất phải không Loan? Các cụ trong họ Hoàng thì sôi
sung sục lên: Bác tú là người trưởng tộc, không thể chấp thuận cái việc bác
tú gả con gái đầu lòng cho một chàng trai ở làng khác lại côi cút nữa chứ?
Một ngày có tới mấy ông chú bà o, những người trưởng chi đến ca thán với
cha mẹ mình, can ngăn đừng gả mình cho anh Sắc. Lúc cha mình hỏi lại:
"Nho Sắc có điểm chi đáng chê trách?" Các ông chú bà o chỉ cười trừ,
chống chế vài câu: Cậu nho Sắc là người văn hay chữ tốt, lại cày sâu cuốc
bẫm chẳng khác chi một lực điền, phẩm hạnh cao. Tiếc rằng làm rể nhà ông
tú họ Hoàng ni thì nó không cân xưng về mặt gia thế... Cha đã họp cả họ
Hoàng lại. Trước họ hàng, cha nói với một phong độ ôn tồn như lúc kể
chuyện cổ tích cho con cháu nghe: "Thưa các bậc thúc phụ, hiền huynh
trong họ. Cả họ ta băn khoăn lo lăng về việc tôi gả con gái đầu lòng cho
anh nho sinh Nguyễn Sinh Sắc vốn là con nuôi, là học trò giỏi của tôi. Vì
tôi là người được cả họ coi là hàng tai mắt, lại không có con trai nối dõi
tông đường. Tôi xin bái tạ họ hàng đã vì tình gia tộc mà quan hoài tới việc
trăm năm của cháu Loan. Tôi gả con gái yêu quý của tôi cho người học trò
yêu quý, tin cậy của tôi thì chẳng có chi trái đạo gia phong, vọng tộc. Tôi
xin kể cho họ hàng nghe một câu chuyện tình duyên lưu truyền trong sử
sách: Đời nhà Trần có quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Chức Tư đồ ngày ấy
là Tể tướng. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán có một người con gái rất thông
minh, hiếu học, tên là Trần Thị Thái. Quan Tư đồ đã mời thầy về dinh dạy
cho con gái học. Người thầy học ấy là một hàn sĩ nổi danh văn chương từ
nhỏ, đích thị Nguyễn Phi Khanh, đỗ Bảng nhãn khoa Ất Sửu (1375) đời
vua Trần Duệ Tông. Lúc Nguyễn Phi Khanh vào dạy học trong dinh, quan
Tư đồ Trần Nguyên Đán thừa hiểu cái luật lệ hà khắc của nhà Trần là các
quan thuộc họ Trần thì tuyệt nhiên không được lấy vợ người khác họ.